Làm du lịch họ khác gì mình

Parent Previous Next



Lần đầu tiên bước chân đến Mexico cuối 2014, tôi đã “mê mệt” đất nước này. Trở lại đây lần thứ ba trong vòng một năm rưỡi, cảm thấy yêu quý xứ này gấp bội. Tôi thực sự ngạc nhiên, sao mình thích nơi này thế? Có lẽ chẳng chỉ mình tôi, mà gần 30 triệu khách du lịch đến Mexico hàng năm, cũng có suy nghĩ tương tự. Con số khách đến Cancun quãng 5 triệu – tỉ lệ lặp lại hàng năm cực kỳ cao – cũng nói lên nhiều điều.


Tôi gặp một gia đình Việt kiều sống ở Mỹ, đợt này đến đây 21 người. Họ đã đến ở chính cái resort này “chỉ mới” 4 lần – đây là lần thứ 5 – chưa kể những lần họ ở các khách sạn khác. Xứ này có gì hấp dẫn du khách đến vậy nhỉ? Làm cho con gái tôi cũng đang cố thuyết phục mẹ là Noel này sẽ trở lại đây?


Vẻ đẹp thiên nhiên: đúng là biển họ đẹp thật, nhưng trên đời này có biết bao bãi biển đẹp, thậm chí đẹp hơn? Nước biển xanh ngắt màu ngọc bích: cũng nhiều nơi nước biển trong và xanh hơn?


Ấn tượng đầu tiên có lẽ là sự sạch sẽ, ở đâu cũng sạch “như lau như li”. Tôi chưa hề chứng kiến ai đó vứt rác tại bãi biển hoặc nơi công cộng. Mexico được thiên nhiên ưu đãi thật: họ có bề dày lịch sử, nhưng cái hay là họ gìn giữ mọi di tích rất tài tình. Quanh Cancun, những công viên nước hoàn toàn dựa trên phong cảnh và các dòng sông nơi chảy ngầm, nơi lộ thiên – được gìn giữ chu đáo. Đến các công viên thiên nhiên này, bảo vệ sẽ hỏi bạn đem theo loại kem chống nắng nào? Tất cả các loại không phải tự nhiên, có chứa bất kỳ hóa chất gì, đều được yêu cầu gửi lại, lúc ra sẽ lấy. Vậy là kem chống nắng làm từ dầu dừa, nha đam của tôi phát huy tác dụng tuyệt đối cho cả nhóm. Họ có những kim tự tháp được gìn giữ đã hàng ngàn năm, lọt thỏm giữa rừng sâu – chẳng bị ai tàn phá, cũng không ai dám giẫm đạp lên lịch sử để xây đô thị mới với những căn hộ cao chọc trời.


Thiên nhiên không phải là thứ duy nhất hấp dẫn khách du lịch, trong đó có tôi, đến với Mexico. Tôi yêu con người ở nơi đây. Họ chưa giàu có gì, nếu không nói là vẫn còn nghèo. Nhưng họ không hèn, kể từ những người làm các công việc bình thường nhất, họ luôn chững chạc, ngẩng cao đầu, nhìn thẳng vào mắt ta mà nói chuyện. Từ người nhân viên giữ khăn ngoài biển, cô phục vụ trong nhà hàng, bà vệ sinh đứng tuổi, ai cũng có thể tự tin nói chuyện, vui đùa, cười vui tán gẫu với khách du lịch. Tôi cũng không thấy ai cứ cúi lom khom, hoặc bẽn lẽn, rụt rè khi tiếp chuyện tôi. Có phải do từ khi còn bé, họ đã được bố mẹ dạy dỗ là phải luôn đứng thẳng, sự cúi đầu và rụt rè (trong rất nhiều trường hợp), thể hiện thái độ thiếu tự tin, thậm chí hèn nhát. Cũng có lẽ vì thế, tôi không thấy cảnh khách du lịch dám làm bậy, mắng chửi hoặc chà đạp người dân ở đây. Thái độ cư xử của người khác phải chăng là tấm gương phản chiếu tư cách của chính bản thân mình??? Và họ làm việc thật chăm chỉ, cần cù, ở bất cứ vị trí nào. Thấy tôi đi Mexico, nhiều người hỏi: “Sao chị không sợ, bên đó nhiều mafia lắm, nguy hiểm đấy”. Cả ba lần đến đây, tôi cứ cầu mong để được một lần nhìn thấy hoặc chứng kiến mafia – xem mặt mũi nó thế nào. Chẳng thấy đâu – mà đi đến nơi nào cũng gặp những gương mặt rám đen, luôn tươi cười chào đón. Con số 30 triệu khách du lịch đến đây hàng năm – đủ chứng tỏ độ an toàn của xứ này.


Hệ thống ở đây không hoàn hảo, nhân viên mắc sai lầm không ít. Nhưng cái làm cho tôi thật sự ngưỡng mộ là khi nhân viên có lỗi, họ nhận ngay – và đưa ra những phương án giải quyết rất cao tay khiến khách hài lòng tuyệt đối. Chính cách xử lý đó như nam châm thu hút khách trở lại.


Thiên nhiên Việt Nam cũng đẹp chứ nhỉ? Một số người bạn tôi đến Việt Nam, cứ xuýt xoa trầm trồ: “Nước mày có đủ thứ, bốn mùa xuân hạ thu đông. Có cả rừng và biển, núi cao cũng như đồng bằng, thung lũng”. Đúng thật, thuở bé thơ, chúng tôi đã từng hết sức tự hào với “rừng vàng biển bạc” của đất nước, với những người dân cần cù chịu khó. Để đến bây giờ, giơ ngón tay đếm xem niềm tự hào còn đọng lại được bao nhiêu?


Mexico cũng nằm trong những nước có nhiều tham nhũng, cũng như Indonesia, Philippines, Thailand. Vậy sao gặp người dân ở những nước này, tôi thấy họ vẫn giữ được sự chân thành, cần cù, chịu khó. Họ cũng than phiền về tệ nạn tham nhũng, nhưng họ không dùng sự tham nhũng để bào chữa cho mọi thói hư tật xấu trong xã hội, cho sự xuống cấp của đạo đức, của mọi mối quan hệ trong gia đình và ngoài xã hội, cho việc dạy con làm quen và chấp nhận sự đểu cáng, tham lam, chụp giật - như một điều tất yếu của cuộc sống.


Các cụ thường nói: “Giấy rách phải giữ lấy lề” – nhưng có thật sự chúng ta, những ông bố bà mẹ muốn dạy con giữ lấy lề của nền đạo đức cơ bản? Hay ta luôn sợ rằng nếu dạy con thành người tử tế, thì nó sẽ thiệt thòi?


Created with the Personal Edition of HelpNDoc: Free iPhone documentation generator