Brexit và người du lịch Việt Nam

Parent Previous Next


Trong bài phỏng vấn với đài truyền hình Bloomberg ngày hôm qua (28.06), ông Willie Walsh, tổng giám đốc IAG (công ty mẹ của 6 hãng hàng không tại châu Âu, gồm cả British Airways và Iberia) nhận xét đồng bảng Anh bị yếu đi sẽ ảnh hưởng xấu đến lượng khách người Anh ra nước ngoài, nhưng nước Anh trở nên hấp dẫn hơn với du khách quốc tế, do vậy hiệu ứng bù trừ này sẽ chưa làm ảnh hưởng nhiều đến kinh doanh của hãng trong tương lai gần.


Tất nhiên khi nền kinh tế suy yếu thì nhu cầu đi lại cũng giảm đi. Nhưng xét đơn thuần từ góc độ tỷ giá, đồng tiền một quốc gia yếu đi sẽ tác động tích cực đến xuất khẩu của nước đó. Du lịch là ngành xuất khẩu tại chỗ sẽ trở nên cạnh tranh hơn, thành thử các hãng hàng không sẽ mất ở chiều ra, nhưng lại được ở chiều vào. Hãy còn quá sớm để đánh giá những ảnh hưởng lâu dài của Brexit với ngành du lịch tại Anh, châu Âu hay trên thế giới, trước mắt các hãng hàng không chơi trò “bập bênh” để cân đối khách ra với khách vào, còn các công ty du lịch lại được hưởng lợi hay bị thiệt hại tùy theo họ làm outbound (khách ra) hay inbound (khách vào).


Ngay sau khi có tin xấu về cuộc trưng cầu dân ý tại Anh, ngày 24.06 Tổng cục Du lịch Thái Lan (TAT) đã đưa ra những đánh giá về ảnh hưởng tiêu cực với ngành du lịch nước này và ông tổng cục trưởng Yuthasak Supasorn dự báo khách du lịch từ châu Âu tới Thái Lan có thể bị sụt giảm 5%, nghĩa là mất khoảng 280 nghìn khách châu Âu, nếu hiệu ứng kéo dài cả năm. Một số thị trường như Phần Lan, Đức Ý và Tây Ban Nha có thể bị giảm đến 10%.


Tôi chưa tìm được đánh giá hay nhận xét nào của ngành du lịch Việt Nam về tác động của sự kiện này đến lượng khách từ châu Âu vào Việt Nam, nên ở đây chỉ xin bàn một chút về tác động ngắn hạn với người Việt Nam đi du lịch nước ngoài.


Đồng bảng Anh, theo công bố tỷ giá của Ngân hàng Ngoại thương, bị mất giá gần 12% trong chưa đầy 1 tuần qua, cỏn Euro cũng yếu đi khoảng 3% so với tiền Việt. Như vậy người Việt sang châu Âu (đặc biệt là Anh) sẽ thấy túi mình rủng rỉnh hơn. Nếu một gia đình 4 người tiêu mất khoảng 500-700 bảng/ngày ở Anh cho chi tiêu cơ bản, thì chỉ riêng việc đồng bảng Anh mất giá đã làm cả nhà tiết kiệm được 20-25 triệu VND cho chuyến đi 10 ngày, chưa kể mua sắm sẽ rẻ hơn nhiều. Với những tour vốn đã tương đối “mềm” của các công ty du lịch phát động trong kỳ hè này thì châu Âu, đặc biệt Anh Quốc sẽ là lựa chọn tốt cho kỳ hè sắp tới.


Tình hình lại ngược lại tại một điểm đến đang nổi khác là Nhật Bản. Quyết định giã từ EU của người dân Anh Quốc đã đẩy đồng yên Nhật tăng giá do các nhà đầu tư bán tháo tài sản bằng đồng tiền rủi ro để đổ tiền vào tài sản có giá trị ổn định như vàng, dollar Mỹ và yên Nhật. Thực ra cuộc leo dốc của đồng yên Nhật đã bắt đầu từ cuối năm ngoái, làm đồng tiền này tăng giá khoảng 15% so với đồng Việt Nam tính từ đầu năm nay. Việc này gây khó cho cho các công ty du lịch Việt Nam vì phải chốt giá dịch vụ với đối tác Nhật bằng đồng Yên trước khi khởi hành ít nhất 3 tháng, thường là dài hơn.


Như vậy có hai điều đáng bàn với du lịch đi Nhật Bản (như một đại diện của thị trường có đồng bản tệ tăng so với đồng Việt Nam). Thứ nhất, đã chào bán tour bằng VND, các công ty du lịch Việt Nam vẫn phải giữ cam kết cho những tour đã bán hay đã công bố giá, cho dù tỷ giá yên Nhật có thay đổi. Khách hàng có thể không cảm thấy rằng mình đang có lợi, nhưng các công ty du lịch đang phải gồng mình gánh chịu khoản thua thiệt do tỷ giá. Cũng may là du lịch Nhật Bản chỉ chiếm phần nhỏ trong tổng lương du khách Việt Nam nên ảnh hưởng không nhiều, chứ không ít quốc gia đã chứng kiến sự đổ vỡ của nhiều công ty du lịch có máu mặt, nguyên nhân chính được quy cho tỷ giá thay đổi đột ngột. Ví dụ gần đây: trong hè 2014 hàng loạt công ty du lịch Nga vỡ nợ, trong nhiều nguyên nhân thì đồng rúp mất giá bị coi là thủ phạm chính. Nhiều du khách Nga bị đuổi khỏi khách sạn hay không được lên máy bay để về nhà, đến mức thủ tướng Dmitry Medvedev phải triệu tập nội các để bàn các biện pháp bảo vệ khách hàng cũng như chấn chỉnh ngành du lịch.


Thứ hai, dù tôi rất muốn chúc mừng những bạn đã mua tour du lịch Nhật Bản, hay đang nhắm mua những chương trình đã chào giá từ trước - có thể coi là mình gặp may, có được giá hời (so với thời giá hiện tại) - thì cũng đề nghị các bạn để ý kiểm soát chương trình du lịch, thể hiện ở chất lượng khách sạn, điểm tham quan đã hứa, hay các hoạt động đã quảng cáo trong chương trình,… Mặt khác tôi cũng kêu gọi (và tin tưởng) các công ty du lịch uy tín sẽ không tìm cách bù lỗ cho những thiệt hại trước mắt bằng cách cắt cúp chất lượng. Làm vậy không những ảnh hưởng đến thanh danh của công ty trong tương lai, mà còn kéo theo chi phí không đáng có và nhiều khi không nhỏ, khi phải giải quyết khiếu nại do không thực hiện đúng cam kết gây ra.


Thế nào cũng có bạn bảo rằng tỷ giá lên xuống là chuyện thường, lúc được lúc thua, có gì phải bàn lắm. Đúng vậy, nhưng quay lại thực tế thì tôi không nhớ có lúc nào đồng Việt Nam tăng giá quá nhiều so với một đồng tiền mạnh nào. Toàn thấy VND mất giá đi là chính, chẳng thế mà người Việt ai cũng là triệu phú. Có lẽ đây là lần đầu người du lịch Việt Nam đối mặt với tình huống mới: đồng mình khỏe lên, đồng “Ơ” và đồng Bảng xẹp đi. Hè này đi chơi châu Âu thôi, nhà mình ơi! Shopping châu Au chắc cũng rẻ đi đáng kể đấy. Nhà tớ "nhanh chân" quá, đi từ hồi tháng 5, lại hóa thiệt. Tiếc hùi hụi.


Còn bạn nào muốn thăm đất nước Phù Tang thì hãy nhanh chân mua những tour đã chào từ trước, kẻo giá có thể sắp bị tăng. Nhưng để ý nhé, kẻo bị đẩy ra khách sạn ngoại ô.


Tác giả: Nguyễn Hải


Created with the Personal Edition of HelpNDoc: Easily create Qt Help files