NỀN Y HỌC CỔ TRUYỀN ÂN ĐỘ

Parent Previous Next

Có lẽ trong chúng ta, ai cũng đã từng nghe cái từ Ayurveda - láng máng biết rằng đó là nền y học cổ truyền có 3.000 đến 5.000 năm lịch sử của Ấn độ. 
Tôi cũng vậy: cái từ đó đến với tôi vào giữa năm ngoái, khi tôi quyết định đi Ấn độ để chữa cho dứt hắn căn bệnh dị ứng do căng thẳng thần kinh.
Hai tuần chữa bệnh tại trung tâm Soukya, tối mắt tối mũi với lịch chữa bệnh ken dày, tôi chẳng có tí thời gian nào để tìm hiểu sâu về cái nền y học đang chữa bệnh cho mình. Thậm chí vườn nhà họ trồng đầy cây Amla, quả chĩu chịt, mà tôi cũng chỉ đôi lúc ngó lơ, chẳng để chút tâm trí nào vào đó. 
Tháng 11, Nguyễn Hải cũng chạy sang Soukya chữa cái bệnh tiền đình. Có lẽ lịch chữa bệnh của anh ta thưa hơn tôi, nên có thời gian tìm hiểu đủ thứ. Khi gặp lại nhau, tôi hơi sững sờ bởi cái sự: “Thằng cha này vốn được mệnh danh là “Ông tổ của đa nghi”, mà sao giờ cứ mở mồm là nói đến Ayurveda? Hắn đọc nhiều lắm, nói thao thao về những khái niệm mà tôi chẳng hiểu tí nào cả, nên thấy chán ốm. Hắn vốn là thằng cha có tài biến mọi thứ thành đề tài nghiên cứu, rồi đi sâu từng chi tiết, đếm xem con vi trùng nó có mấy chân, mỗi chân dài bao nhiêu micro mm gì đó. Còn tôi là cái dạng “mì ăn liền”, thấy cái gì hay thì tìm và tính đếm tác dụng, xem đủ thông tin từ các nguồn tin cậy là tôi thử. Chứ cứ đợi hắn nghiên cứu theo kiểu “tiêu chuẩn phòng thí nghiệm”, thì có mà đến tết năm con nảo nào nào cũng chưa xong. Nhưng công nhận hắn nghiên cứu tài, và dịch tài liệu thì cực chuẩn. 
Lại nói dài dòng một chút về cái vụ Amla. Khi ở Yangon, nhìn thấy quả đó ngoài chợ, tôi mang máng là đã thấy ở đâu đó. Nghĩ nó là dâu, nên mua mấy lạng về ăn. Rửa sạch, vừa nghiến ngấu cắn một nhát mạnh, thì ái chà – bật ngửa người, răng nhói lên vì cái vị chua và chát rất đặc biệt. Ngán ngẩm nhìn hàng trăm quả trong cái rổ, bỏ thì thương mà vương thì tội. Tôi bèn mở máy tìm thông tin xem nó là loại dâu gì – thì được hàng mớ thông tin về Gooseberies, và đặc biệt là loại dâu dại Ấn độ có tên Amla – chính cái quả tôi “mua nhầm”. Với mục đích: quyết tâm không bỏ phí cái của đã phải bỏ tiền ra mua – tôi hì hụi xem thông tin về tác dụng của Amla, thì quả thực “tá hỏa” luôn khi biết rằng nó là loại sản phẩm cơ bản được dùng trong nền y học Ayurveda. Amla được phong là Nữ hoàng của các loại trái cây, vì những giá trị dinh dưỡng của nó, đặc biệt là Vitamin C, các loại vitamin khác cũng như lượng khoáng chất phong phú và đa dạng nó chứa. Chỉ một ví dụ: một quả Amla bé bằng đầu ngón tay, chứa lượng Vitamin C tương đương 1 quả cam, thế có khiếp không? Cũng bởi vậy, một ngày chỉ nên xài tối đa 3 – 5 quả, quá nữa là sẽ có bài “táo tỏng”. 
Vốn có tính “biết gì khoe nấy”, tôi bèn khoe inh ỏi trên FB, thì được nhiều bạn tới tấp com. là ở các vùng miền núi của ta “có mà đầy”. Nói thật, lúc đó tôi mừng húm – có cơ hội tạo công ăn việc làm cho nhiều người rồi đây:
1. Này nhé: là lực lượng đi gom và hái quả ở các tỉnh vùng cao
2. Là phương tiện vận chuyển
3. Và là công xử lý để tạo ra sản phẩm phù hợp và tiện lợi.
Và cái lợi nhiều nhất: xem trên mạng, bột Amla nhập từ Mỹ (cũng là nguồn gốc Ấn độ), có giá cao ngất ngưởng, phải vài triệu một kg. Lúc đầu, tôi nghĩ là quả Amla rẻ rề, chúng tôi mua có 18,000 -20,000/kg – chắc làm được nhiều bột lắm. Hôm qua đến công ty, khi các em đem bột cho thử, và kể rằng: “Chị ơi, 9 kg Amla làm được có 7 lạng bột, tôi lại lần nữa "chứt đứng". Mà cái công xử lý nó thì mới kinh hồn. Một ngày một người chỉ xử được 10 kg là tối đa”. Còn đầu Hà nội “kêu khóc” inh ỏi: “Làm sao mà ở Sài gòn làm được nhanh vậy, Hà nội một người chỉ xử lý được 3 kg trong nửa ngày thôi”. Vậy là tranh luận loạn xí ngậu qua Messenger. 
Tôi kết luận: “Tóm lại, dù sao cũng rẻ hơn được rất nhiều so với hàng nhập, vì rõ ràng là nhân công ở ta rẻ hơn. Việc còn lại kệ bọn em”

Cũng nhờ cái quả Amla gợi ra, nên tôi quyết định tìm hiểu và thực hiện một nửa liệu trình 8 ngày thải độc bằng phương pháp Ayurveda. Hôm nay là ngày cuối. Sẽ lại có rất nhiều câu chuyện về thải độc kiểu ấn độ để kể cho mọi người nghe, và ai muốn thì có thể tự thực hiện

Cách đây mấy ngày, có chuyển cho Nguyễn Hải mấy bài viết về tác dụng của Amla, nhờ hắn chọn và dịch. Lúc nãy hắn chuyển cho một bài đã dịch, dài phải đến chục trang. Hay thì hay lắm, nhưng dài quá. Tôi đang loay hoay chia ra để post nhiều lần, chứ dài thế làm sao anh FB cho post một lần? Mà tôi đã “năn nỉ ỉ ôi” là: “Cậu tóm tắt thôi, lược bớt các đoạn dài dòng đi”. Hắn trả lời sao mọi người biết không? “Đã dịch là phải đúng từng từ, tớ không làm khác được. Nếu tóm tắt thì cậu đi mà tự làm”. Mà tôi thì vốn lười, hắn dịch sẵn mình chỉ copy và bấm phím thích hơn.
Vậy mọi người chờ đọc cái bài rất giá trị, nhưng “dài dằng dặc” đó vào tối nay nhé.

Created with the Personal Edition of HelpNDoc: Free help authoring environment