NĂM NGỘ NHẬN VỀ DINH DƯỠNG HỦY HOẠI SỨC KHỎE BẠN

TẢN MẠN ››
Parent Previous Next


Đăng trên báo The Independent ngày 21.07.2017
ND – Nguyễn Hải
23.07.2017

http://www.independent.co.uk/…/nutrition-lies-health-negati…

RACHEL HOSIE @rachel_hosie

Trong khi các nhà khoa học công bố ngày càng nhiều kết luận của những nghiên cứu mới, thành thử chúng ta khó mà theo kịp để biết là lúc này nên ăn thức gì.

Bơ có hại hay không? Có nên uống nước trái cây và sinh tố nếu chúng chứa nhiều đường? Nếu cho thêm rau xanh vào thì có sao không? Và sữa là tốt hay xấu?

Quá nhiều điều thắc mắc, quá lắm thứ mơ hồ.

Nhưng có một số quy tắc được nhiều người tin tưởng lại thành ra sai toét và tuân theo chúng lại thành làm hại sức khoẻ chúng ta.

Chúng tôi đã nói chuyện với nhà dinh dưỡng được cấp chứng chỉ, bà Rhiannon Lambert để tìm hiểu về 5 lầm tưởng phổ biến nhất và xem thực chất vấn đề là gì.

1. Ăn nhiều trứng không tốt (Hình 1)

Nhiều người không dám ăn nhiều trứn g vì chứa nhiều cholesterol, được cho là làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim. Dù mức cholesterol của trứng cao, Lambert giải thích rằng trứng thực ra không làm tăng cholesterol xấu trong máu.

“Thực sự thì trứng luôn tăng mức cholesterol HDL (cholesterol tốt) và điều đó làm giảm nguy cơ mắc nhiều chứng bệnh”. Bà nói với The Independent, rằng có vô số nghiên cứu đã chứng minh rằng trứng không can hệ gì bệnh tim mạch.

Lambert tin rằng trứng là thứ thực phẩm vô tội – chứa nhiều chất đạm, chất béo tốt, vitamin, khoáng chất và có đặc tính chống oxy hoá khác thường – là điều chẳng phải thực phẩm nào cũng có.

Lambert nói: "Trứng chứa tất cả các loại axit amin thiết yếu (là vật liệu để tạo protein) theo tỷ lệ rất hợp lý, vì thế cơ thể con người sẵn sàng dùng sử dụng tối đa chất đạm trong trứng. Trứng cũng làm chóng ngán, là đặc tính tốt của thực phẩm để tạo cảm giác no (mà đừng ăn nữa – ND)".

Hiện nay các nhà khoa học nhất trí rằng ăn đến ba quả trứng mỗi ngày là hoàn toàn ổn. Dù chưa có bằng chứng nào cho thấy ăn nhiều hơn thì có hại, nhưng họ coi rằng điều này vẫn chưa được nghiên cứu đầy đủ.

2. Dầu thực vật là lành mạnh (Hình 2)

Theo Lambert, nói rằng dầu thực vật thì lành mạnh là điều "không thể nào sai lầm hơn được". Các nghiên cứu trước kia kết luận rằng chất béo không bão hòa đa (polyunsaturated) làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim, khiến ta nghĩ dầu thực vật, như dầu hướng dương, rất tốt cho sức khỏe.

"Tuy nhiên, điều quan trọng là phải hiểu là có nhiều loại chất béo không bão hòa đa khác nhau, như là omega-3 và omega-6", Lambert nói.
"Trong khi chúng ta lấy omega-3 từ cá và động vật ăn cỏ, các nguồn axit béo omega-6 chủ yếu lại từ dầu thực vật tinh chế. Chúng ta cần lượng omega-3 và omega-6 trong được cân bằng, trong khi đó lại có bao nhiêu người ăn quá ít omega-3 và quá nhiều omega-6 ".

Những loại dầu thực vật này liên can mật thiết đến nguy cơ mắc bệnh tim, căn bệnh đang là sát thủ ghê gớm nhất trên thế giới.

Nguyên nhân chính đễ dầu thực vật có độc tính là vì chúng phải hứng chịu các hóa chất độc hại trong quá trình chế biến.

"Nếu bạn muốn giảm nguy cơ mắc bệnh, cứ việc ăn omega-3, nhưng hãy tránh xa các loại dầu thực vật tinh chế.”, Lambert khuyên, "Điều nữa rất quan trọng là điều này không áp dụng cho các loại dầu thực vật khác như dầu dừa và dầu ô liu bởi chúng có lượng omega-6 thấp và rất có lợi cho sức khỏe.”

3. Ăn thịt là có hại (Hình 3)

Phần lớn thịt bày bán trong siêu thị ngày nay khác xa những gì tổ tiên chúng ta từng ăn. Giờ đây, gia súc gia được nuôi trong trang trại và trải qua nhiều quá trình chế biến. Điều này cũng có nghĩa là một số loại thịt có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khoẻ, nhưng không phải thịt nào cũng có hại.

Lambert viện dẫn cuộc nghiên cứu lớn chưa từng có (hiện vẫn đang tiếp diễn) được đặt tên xác đáng là Điều tra Tương lai Châu Âu về Ung thư và Dinh dưỡng (European Prospective Investigation into Cancer and Nutrition - EPIC): "Trong báo cáo năm 2013, với 448.568 người, thịt chế biến làm tăng nguy cơ tử vong, trong khi đó thịt đỏ chưa qua chế biến không ảnh hưởng gì",

Bà nói rằng, ăn thịt đỏ chưa qua chế biến và nấu bình thường mỗi tuần một lần là rất tốt, bởi đó là nguồn giàu vitamin, khoáng chất, chất chống oxy hoá và chứa các protein và chất béo tốt, có tác dụng rất tích cực đến sức khoẻ.

Mấu chốt của ăn uống lành mạnh là phải cân bằng.

"Chẳng có cách nào là duy nhất đúng cho tất cả mọi người," Lambert nói tiếp, "Mỗi người đều là những cá thể duy nhất, những gì hiệu quả đối với một người có thể không tốt cho người khác. Nhưng, khi loại bỏ cả một nhóm thực phẩm như thịt chẳng hạn, bạn sẽ gặp nguy cơ thiếu vitamin và khoáng chất ".

4. Các loại calo đều như nhau (Hình 4)

Một số người nói nếu muốn giảm cân, chỉ cần ăn ít đi để tạo ra thiếu hụt năng lượng cho cơ thể. Điều này rất sai lầm. Bạn ăn gì quan trọng hơn chuyện bạn đốt bao nhiêu calo mỗi ngày.

Lambert giải thích: "Thực phẩm khác nhau hấp thụ vào cơ thể qua các cách trao đổi chất khác nhau. Loại thức ăn có thể ảnh hưởng trực tiếp đến các hoocmon và chúng điều chỉnh chúng ta phải ăn khi nào, ăn bao nhiêu, cũng như phải đốt bao nhiêu calo.”

Ăn chất đạm sẽ làm giảm sự thèm ăn của bạn so với cùng lượng calo từ chất béo và chất bột, vì chất đạm có chỉ số no nê (satiety index) cao, giúp bạn cảm thấy no.

Hơn nữa, một số đồ dễ ăn hơn – tức là khó đừng ăn hơn – so với loại khác. Thử nghĩ bạn nuốt trôi 400 calo kem nhanh cỡ nào so với khi phải ngoắc ngoải tiếp thu số calo tương đương từ rau xanh.

Vì vậy, nên tập trung vào các thực phẩm có chỉ số no nê cao, như khoai tây, thịt bò, trứng, đậu và trái cây, trong khi đó, nên tránh bánh kẹo và đồ ngọt, chuyện này cũng không đáng ngạc nhiên nhỉ.

Lambert nói: "Cho dù bạn chọn thực phẩm chóng no hay không thì hãy hiểu là nhìn chung chúng khác nhau nhiều từ quan điểm cân bằng năng lượng, Bởi một calo của củ khoai luộc sẽ được cơ thể tiếp nhận không giống như một calo từ cái bánh rán.”

"Tất nhiên lượng calo là quan trọng, nhưng nói rằng chỉ có nó quyết định cân nặng hay sức khỏe của bạn là hoàn toàn sai lầm."

5. Ăn mỡ làm bạn béo (Hình 5)

Trở lại những năm 70, người ta cho rằng rằng chất béo làm cho bạn béo, và rồi các siêu thị tràn ngập những sản phẩm ít chất béo và không béo.

Tới giờ thì lời khuyên đã lỗi thời này đã được chứng minh là hoàn toàn sai. Tệ hơn, nhiều sản phẩm có hàm lượng chất béo thấp lại chứa đầy đường để bù đắp cho sự nhạt nhẽo vì thiếu chất béo.

Nhưng Lambert cũng hiểu rõ là khuyến khích ăn nhiều mỡ có thể trở thành vấn đề: "Nếu thiếu thông tin chính xác về dinh dưỡng, có nguy cơ mọi người sẽ hiểu sai. Nhiều người sẽ vội theo khẩu phần toàn thịt với sữa mà loại trừ carbohydrate, trái cây, hay thậm chí rau".

Theo Lambert, sau đây là những gì bạn nên ăn để có được lượng chất béo tốt:

- Cá chứa nhiều dầu: Đừng ngại vì lượng calo có trong cá hồi và cá thu, chúng rất giàu axit béo omega-3 trong cần thiết cho cơ thể khỏe mạnh.

- Trái bơ: Những quả này giàu axit oleic, chất béo làm giảm huyết áp.

- Sữa chua giàu chất béo - Có chứa vi khuẩn probiotic hỗ trợ hệ tiêu hóa, hãy mua sữa chua tự nhiên, đầy chất đủ béo và không thêm đường.

- Các loại hạt: Một vốc hạt hạnh nhân mỗi ngày có thể làm giảm LDL (cholesterol xấu) và hỗ trợ kiểm soát lượng đường trong máu

- Bơ (butter): Giàu vitamin A và D cũng như axit béo, làm tăng cholesterol tốt. Hãy chọn các loại bơ chưa qua chế biến và hữu cơ thì càng tốt.

Lambert giải thích: "Mặc dù chất béo giàu calo hơn so với đạm và bột, nhưng ăn nhiều chất béo không làm cho người ta béo”. Khẩu phần ăn giàu tinh bột và chất béo sẽ làm bạn béo lên, nhưng lỗi không phải vì chất béo. Trong thực tế, nhiều nghiên cứu đã kết luận rằng những người ăn nhiều chất béo tốt sẽ giảm cân tốt hơn người theo chế độ ăn kiêng có chất béo thấp.

Vậy thì, mang trái bơ ra đây cho tất cả mọi người.

Created with the Personal Edition of HelpNDoc: Easy EBook and documentation generator