NGHỀ QUẢN LÝ

TẢN MẠN ››
Parent Previous Next


Ngày chủ nhật, lại là cái ngày mình tròn 59 tuổi. Vậy là bước vào năm cuối cùng của cái gọi là U60, để chỉ một năm sau nữa là được “chững chạc” bước vào hàng ngũ U70 rồi. 
Nhìn lại quãng đời gần 60 năm, thấy vui ra phết: tự thấy đời mình “da dạng” quá, trải qua biết bao “phong ba bão tố, biến cố khôn lường”. Để rồi đến hôm nay, được dịp thảnh thơi tự “ôn bài” quá khứ, để rồi tự “tra vấn” mình: thực ra, mình thạo nghề gì nhất nhỉ? 
Không kể hơn 20 năm đi học, hết phổ thông rồi đại học, và nghề tự nguyện kiêm nhiệm – LÀM MẸ - thì cái nghề tôi làm nhiều nhất – hóa ra lại là nghề quản lý. Trong “lịch sử” 37 năm làm việc, thì cũng “ngấp nghé” 35 năm tôi làm ở các vị trí quản lý từ nhỏ tí cho đến nhỏ vừa. Ơ, vậy ra mình cũng có “thâm niên” cao phết trong nghề này đấy chứ? 
Trong thời gian qua, ngoài các câu hỏi về nuôi dạy con, về việc sống sao cho khỏe mạnh, tôi nhận được khá nhiều câu hỏi về các vấn đề trong tổ chức quản lý con người và công việc. Sực nhớ ra rằng, chính tôi đã soạn giáo trình và trực tiếp dạy khá nhiều khóa đào tạo cán bộ quản lý cho “hội” cán bộ TransViet từ những năm 2007, bèn nhờ các em sục sạo lục lọi lại – thì tìm được nhiều bộ slides của các khóa đào tạo này. 
Đang rà lại về mặt thời gian, để xem liệu có đủ sức viết các bài chia sẻ cho những ai cảm thấy cần nghe một quan điểm hơi khác lạ về quản lý. Cũng xin nói trước là trong nhiều việc, cách làm của tôi hầu như là “chẳng giống ai”. Thường thì nền tảng ban đầu của bất cứ việc gì, dù là nuôi dạy con, sức khỏe, hay quản lý – đều dựa trên tài liệu và sách vở của các nước tiên tiến, chủ yếu là Anh và Mỹ. Nhưng chưa khi nào tôi có thể “áp dụng nguyên si” mà thành công, thường phải hy hoay thử nghiệm, chỉnh sửa, sau đó viết lại toàn bộ để có một cách áp dụng cho riêng mình. 
Chỉ một ví dụ nhỏ: vào những năm 90, ai cũng nói về hệ thống tài liệu “Mô tả công việc”, và coi nó như một cứu cánh cho hệ thống quản lý đã lỗi thời. Các công ty tư vấn về ISO ra đời ầm ầm, các công ty lớn của Việt nam bỏ rất nhiều tiền thuê tư vấn để được công nhận là “đạt tiêu chuẩn ISO”, mà kết quả thực sự nhận được có thể chỉ là một bộ tài liệu dày cộp, với một mớ “mô tả công việc” khá lộn xộn, làm tôi hiểu rằng rất ít nhân viên chịu đọc, và có đọc cũng chẳng hiểu được nhiều. Thường là sau khi bỏ ra một đống tiền thuê tư vấn viết tài liệu – thì nó được lưu cất rất kỹ trong tủ, chẳng ai sờ đến nữa, trừ khi có như cầu khoe là ta hoạt động bài bản. 
Tôi biết vậy, nên từ trước 1997, khi cấp trên gợi ý, thậm chí chỉ đạo thuê tư vấn ISO, tôi từ chối quyết liệt. Tôi bỏ ra khá nhiều thời gian tự tìm hiểu tài liệu, sau đó quyết định đưa ra một mô hình phù hợp hơn với Việt nam (theo nhận định của tôi), đó là “Chức năng nhiệm vụ” của bộ phận (Depertmant’s Functions), hay nói rõ hơn là “Mô tả công việc – Job Descriptions cho bộ phận”. vậy là tổ chức viết tài liệu, lấy bộ phận chuyên môn làm trung tâm, và trưởng bộ phận là người sẽ chiếu theo tài liệu để tổ chức thực hiện và kiểm soát các đầu việc được mô tả trong bộ phận mình. Cách làm này có rất nhiều ưu điểm:
- Đặt trách nhiệm tổ chức và kiểm soát công việc lên vai trưởng bộ phận
- TBP có quyền phân công nhiệm vụ cho từng nhân viên của mình, tức là nhặt từ CNNV của bộ phận để phân công cho nhân viên – phù hợp với năng lực cá nhân của người đó, chứ không bị bó trong cái khuôn của việc tìm người có đủ khả năng thực hiện theo bản “Mô tả công việc” đã bị định sẵn cho từng vị trí. 
- Khi một nhân viên nào đó nghỉ việc, dựa trên chất lượng của nhân viên mới được tuyển chọn để thay thế, TBP có thể chơi “lego” trên CNNV của bộ phận, để phân công lại công việc cho phù hợp hơn, thay vì phải tìm một người có đủ kỹ năng và kinh nghiệm như nhân viên đã nghỉ.

Tuy vậy, với mô hình này, có một khó khăn là: TBP phải là người thạo tất cả các đầu việc trong bộ phận, lại phải là người có khả năng đánh giá năng lực của cấp dưới để tổ chức đào tạo, phân công cho đúng người đúng việc, và đặc biệt là phải có khả năng tổ chức lao động hợp lý. TBP có quyền nhiều, nhưng kèm theo là trách nhiệm rất lớn.

Tôi đã thực hiện mô hình này khi quản lý ở nhiều vị trí, và với riêng tôi – tôi thấy nó thành công. Nhưng tôi cũng từng gặp cực kỳ nhiều khó khăn khi đối diện với những người luôn “thần tượng” mô hình quản lý “cứng” của phương tây, thì tôi thấy mình không đủ cơ sở lý luận để tranh cãi, mà chỉ có thể chứng minh bằng hiệu quả của hệ thống. 
Vì vậy: hy vọng loạt bài chia sẻ về quản lý của tôi sẽ có ích cho những ai đang loay hoay tìm một mô hình quản lý phù hợp, mà chưa tìm ra, những ai có đầu óc “mở” để tiếp nhận những gì không luôn nằm trong “bài vở” được dạy. Có gì chưa hiểu rõ, mọi người cứ hỏi, cứ bình luận, chia sẻ một cách chân thành và có thiện chí. Nhưng tôi sẽ không mất thời gian để tranh luận hoặc trả lời những bình luận thiếu văn hóa, thiếu thiện chí. Và cái cách tôi vẫn làm là sẽ tỉnh queo xóa bình luận, hoặc nếu tệ quá thì block luôn người đó, trong những trường hợp này.

Created with the Personal Edition of HelpNDoc: Free EBook and documentation generator