Làm việc tốt nên nói ra hay im lặng để được khen là "khiêm tốn, không khoe khoang"

TẢN MẠN ››
Parent Previous Next

LÀM VIỆC TỐT NÊN NÓI RA HAY IM LẶNG ĐỂ ĐƯỢC KHEN LÀ “KHIÊM TỐN, KHÔNG KHOE KHOANG”?


Thời chúng tôi, cả trong gia đình và ngoài xã hội, khẩu hiệu “khiêm tốn” được tôn lên rất cao. Thời đó, chúng tôi hiểu khiêm tốn nghĩa là – có biết cái gì, phải nói là không biết. Nếu biết nhiều, phải nói là biết ít. Học giỏi, khi ai hỏi, phải nói là “cháu (em) học kém lắm”, sẽ không bị quy vào tội “thiếu khiêm tốn”. Mà bị quy vào cái tội “tự cao tự đại, thiếu khiêm tốn”, thì coi hết tương lai. Chắc mọi người còn nhớ cái vụ nhà thơ Trần Đăng Khoa (lúc đó còn là cậu bé chừng hơn 10 tuổi), mà dám cả gan sửa câu thơ của nhà thơ Tố Hữu (người lúc đó quyền lực đầy mình). Câu thơ nguyên văn là: “Đường ta rộng thênh thang tám thước”. Cậu bé Trần Đăng Khoa bèn lý luận rằng: tám thước thì chưa thể coi là rộng thênh thang, nên sửa lại câu thơ: “Đường ta rộng thênh thang tiến bước”. Việc gì xảy ra, chắc ai ở vào lứa tuổi tôi đều còn nhớ, khỏi cần nhắc lại.
Bản thân tôi, khi ai hỏi về kết quả học, đều phải nói là: “Con (cháu) học dốt lắm ạ, còn phải cố gắng nhiều”.


Hai từ khiêm tốn đè bẹp luôn sự đẹp đẽ của khái niệm “tự tin”. Lúc đó, cô cậu nào mà dám tự tin nói rằng: “Tôi học giỏi”, hoặc dám tuyên bố “tôi làm việc giỏi”, chắc chắn được cái hạnh kiểm trung bình, khỏi vào đại học, hoặc xong luôn sự nghiệp.

Xã hội phát triển, khái niệm cũng đổi thay. Hai từ “tự tin” được trả lại đúng ý nghĩa tốt đẹp của nó. Nhưng oái oăm thay, lại xuất hiện hai từ “khoe khoang”. Mà cái sự tự tin và sự khoe khoang hay bị nhầm lẫn lắm. Thế rồi tốt xấu lẫn lộn, người ta khoe những việc không có thật, khoe những kiến thức mà người ta không có, vì háo danh, vì muốn kiếm tiền trên những giá trị ảo, tận dụng sự thiếu hiểu biết của người khác, người ta khoe làm từ thiện, mà thực sự nhiều trường hợp là lừa đảo...
Riết rồi mọi thứ lộn tùng phèo, những người thực sự có hiểu biết, thực sự có tâm để làm việc tốt cho công đồng trở nên dè dặt, sợ hãi, không dám chia sẻ những điếu tốt mình làm. Mà nếu điều tốt thực sự không được lan truyền và chia sẻ, thì những kẻ xấu cứ tiếp tục mượn danh cái tốt để lan truyền những điều mà bản chất là xấu.
Ví như việc chia sẻ về nuôi dạy con, sẽ rất khó thuyết phục nếu chưa nhìn thấy sản phẩm của phương pháp họ chia sẻ (là thành quả - có thể chỉ là bước đầu của đứa trẻ đạt được). Nhưng có một điều, để chia sẻ cũng phải can đảm lắm, vì nhiều khi phải hứng chịu những comments thiếu thiện chí, thậm chí đầy sự hằn học, ghen tức, mà hai từ hay được dùng nhất là “khoe khoang”.


Làm từ thiện cũng vậy: trên báo chí, mạng xã hội nhan nhản các lời kêu gọi làm từ thiện, khó mà phân biệt thật hay dỏm. Vậy nếu ai làm từ thiện một cách tử tế cũng im lặng vì sợ bị nói “khoe khoang”, thì xã hội cũng khó mà phân biệt được tốt xấu, trắng đen trong lĩnh vực này. Cười tươi giơ cái bảng từ thiện bên cạnh một người sắp ra đi – là hành động phản cảm. Nhưng sẽ còn tệ hơn nhiều, khi giơ bảng để quay phim chụp ảnh, hứa hẹn ủng hộ, rồi lặn mất tăm – cái đó phải nên bị quy vào tội lừa đảo.
Dù ai nghĩ sao, tôi vẫn cứ “khăng khăng” một điều: nếu bạn làm việc tốt, hãy nói ra một cách rõ ràng, minh bạch, không thêm cũng chẳng bớt – chứ đừng vì sợ dư luận mà im lặng. Chẳng có gì đáng sợ, nếu mọi việc bạn chia sẻ đều là sự thật, không hề được “thêm thắt”. Chẳng ai là hoàn hảo, cũng không ai có thể tròn vo để “được lòng” tất cả mọi người. Vậy thì hãy chính là bản thân mình – nếu bạn thực sự tin rằng mình là người TỬ TẾ. Nếu sự thành công dựa trên năng lực thực sự, cũng như nỗ lực bản thân – đó là điều tốt – và xã hội cần biết nhiều về những con người đó, thay vì chê bai, hiềm khích. Một em học sinh được học bổng toàn phần hoặc trợ giúp tài chính của Havard, Stanford hay bất cứ trường đại học nào khác, đều có vai trò của bố mẹ, công với khả năng và nỗ lực bản thân, đều nên được ca ngợi. Còn việc em có thể thành công và cống hiến ra sao sau này khi vào đời, phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có một yếu tố quan trọng là xin hãy chia sẻ và động viên nếu em gặp khó khăn, chứ đừng vùi dập hoặc ném đá, vì bất cứ lý do gì. Xin đừng làm cho các em chùn chân, mỏi gối, và tránh xa chính những con người ở quê hương mình, chỉ vì cái "thói đời" hay dèm pha, hiềm khích.
Nếu gia đình có điều kiện, hoặc nếu gia đình khó khăn, các em tìm được trợ giúp tài chính hoặc học bổng - đó là điều cực kỳ tốt. Nhưng đừng tốn tiền vô ích và hy vọng các công ty tư vấn sẽ "phù phép" để làm hộ con bạn điều đó - thì phải dè chừng. Giữa việc họ nói và họ làm được, có thể khác xa nhiều lắm, và khi kết quả không như ý muốn, thì tiền cũng mất rồi. Hãy cùng con bắt đầu hành trình tim kiến thức càng sớm càng tốt, con bạn sẽ học được nhiều bài học để có thể tự tin vác balo lên vai và đi tới.

Nếu người tốt, người thực sự có kiến thức mà im lặng – cái xấu, các giá trị giả sẽ hoành hành. Bản thân tôi – tôi sẽ không im lặng, và tôi luôn dạy con gái một điều” “im lặng khi người khác cần sự chia sẻ - đó sự hèn nhát và ích kỷ”


Created with the Personal Edition of HelpNDoc: Produce electronic books easily