Các phương pháp làm dầu dừa đúng cách.

Parent Previous Next

CÁC PHƯƠNG PHÁP LÀM DẦU DỪA


http://news.zing.vn/dung-dau-dua-sai-cach-tan-pha-lan-da-post615334.html


Lúc nãy, một người bạn chuyển cho tôi bài viết trên đây, hỏi nói tôi có ý kiến gì không.
Ý kiến đầu tiên của tôi là: bài viết của tiến sĩ Ngô Hồng Phong là một trong những bài viết công bằng nhất về dầu dừa từ giới chuyên môn tây y chính thống ở Viêt nam mà tôi đã đọc.
Ý kiến tiếp theo: tôi có sự đồng tình và cũng có một số ý kiến không đồng tình với quan điểm của tác giả.
1. Tôi rất đồng ý là không phải dầu dừa nào cũng tốt. Xin trích dẫn phần viết của tác giả: “dầu dừa 100% nguyên chất phải được lấy trực tiếp từ quả dừa già nguyên trái, không qua bất kì xử lý hóa chất nào. Cứ 2-3 trái dừa già cho 1 kg cơm dừa,1 kg cơm dừa lại cho khoảng 100-150 ml dầu dừa. Để có 1 lít dầu dừa xịn cần từ 13-15 trái dừa già tươi”.
Cũng muốn cung cấp thêm thông tin ngắn gọn về các cách sản xuất dầu dừa hiện nay, mặt tốt và chưa tốt của mỗi phương pháp. Hiện có 3 phương pháp làm dầu dừa:
- Phương pháp 1: Dầu dừa được làm từ cơm dừa sấy khô rồi ép lấy dầu: trong phương pháp này, điều cơ bản là cơm dừa sau khi nạo từ trái còn tốt, không được rửa bằng bất cứ loại nước hoặc hóa chất nào, để đảm bảo độ tinh khiết. Sau đó phải được đưa vào lò sấy ở nhiệt độ từ 40 – 100 độ C, đến khi còn độ 10% nước thì đưa vào máy ép dầu. Có cái khó đảm bảo của phương pháp này, như Tiến sĩ Phong nói, là các dây chuyền sản xuất lớn cần một lúc rất nhiều nguyên liệu, nên việc đảm bảo để cơm dừa được đưa ngay vào sấy là điều khó xảy ra. Phương pháp này cũng làm mất đi toàn bộ vitamin E, vitamin K trong sản phẩm, nếu quá trình sấy nhiệt độ lên trên 50 độ C. Nếu cơm dừa lại được mua sẵn từ các vựa xử lý số lượng lớn, thì chắc chắn phải qua khâu rửa bằng hóa chất để bảo quản. Sau đó, khi ra thành phẩm, lại phải dùng hóa chất để tẩy màu (cho thành phẩm trong vắt thì mới quảng cáo được đó là dầu tinh khiết lạnh), rồi tẩy mùi...Những loại có xử lý hóa chất, chắc chắn mang yếu tố độc hại, dù ít hay nhiều, cả khi ăn và khi dưỡng tóc hoặc dưỡng da. Tệ nhất là để có giá rẻ, nhà sản xuất đi thu gom cơm dừa bẩn (tiếng Anh gọi là copra), được phơi vật vã ngoài đường hoặc sân, mốc meo, bẩn thỉu. Sau đó, họ dùng hóa chất để tẩy sạch, rồi xay và sấy khô để ép dầu. Sau khi có dầu, họ dùng hóa chất tẩy tiếp để dầu trong veo, và bớt mùi khét. Hầu hết dầu dừa bán tại Việt nam được làm theo phương pháp ép cơm dừa khô (sản phẩm của các nhà máy sản xuất dầu dừa), cách này cũng cho tỉ lệ dầu cao nhất.
- Phương pháp 2: Dầu được làm từ sữa dừa, là loại có chất lượng cao nhất. Có 2 phương pháp để làm dầu từ sữa dừa:
• Dùng máy ly tâm ép để ra dầu: thường máy ly tâm có công suất rất lớn (loại nhỏ nhất công suất quãng 8.000 lít/giờ). Tuy vậy, vì là ép, nên dù chất lượng cơm dừa đầu vào có kém, thì vẫn ép được dầu ra. Thêm nữa, ngoài việc đầu tư ban đầu lớn, nguồn nguyên liệu với giá cả ổn định phải luôn đáp ứng được cho công suất sản xuất. Đây là điều đau đầu cho toàn bộ các nhà máy sản xuất dầu dừa ở Bến tre, vì sự chập chờn của nguồn nguyên liệu. Các trái dừa ngon và to, chất lượng cao nhất bị thương lái gom hết để chuyển lên thành phố. Còn lại để đưa vào sản xuất toàn là dừa dạt (loại 0.7 kg/trái), và tồn lâu tại các vựa (ít nhất từ 10 -15 ngày từ khi hái). Có lẽ, đây là nguyên nhân chính của việc dầu dừa Việt nam không thể cạnh tranh với dầu dừa Philippines, Thái lan hoặc Ấn độ: chất lượng không tốt, giá lại quá cao nếu muốn có chất lượng hợp lý.
• Tách dầu bằng cách lên men sữa dừa: đây là phương pháp thủ công, trong tình hình sản xuất và sử dụng hóa chất tràn lan như ở Việt nam, thì có lẽ là phương pháp cho dầu dừa có chất lượng tốt nhất. Vì sao: đơn giản là nếu dừa để quá 1 tuần sau khi hái, thì không tách được dầu. Vả lại, nếu bỏ bất cứ hóa chất gì vào, thì dầu cũng không tách được. Vì nhiệt độ tốt nhất để dầu tách được là 45 độ C, nên dầu dừa thành phẩm giữ nguyên được toàn bộ các enzymes và vitamin quý báu có trong cơm dừa. Mặt dở của phương pháp này là sau khi tách dầu xong, thì phải có bước khử nước và khử mùi bằng cách để 7 ngày trong thùng kín nhưng thông thoáng, với nhiệt độ 48 - 49 độ C. Nếu không có bước này, dầu sẽ bị mùi chua và nhanh hỏng.
- Phương pháp 3: nấu theo kiểu cổ điển: xin phép bỏ qua phương pháp này, vì có lẽ ai cũng biết là sau 3-4 tiếng nấu ở nhiệt độ quãng 110 -120 độ C, thì chất lượng dầu khó mà tốt được nữa
2. Về hướng dẫn của tác giả khi chọn dầu dừa, tôi không tán thành. Tác giả viết: “Để biết dầu dừa nguyên chất có tinh khiết hay không, bạn chỉ cần cho chai dầu dừa nguyên chất vào ngăn mát tủ lạnh. Sau đó chờ 30 phút đến 1 tiếng (tùy theo dung tích của dầu dừa nhỏ hay lớn), do có nhiệt độ dưới 25 độ C thì dầu dừa sẽ bắt đầu đông đặc lại hoàn toàn (nếu dung tích nhỏ thì sẽ mau đông lại hơn). Ngược lại nếu chai dầu dừa của bạn không đông đặc, hoặc đông đặc một phần, phần còn lại cho dù để bao lâu trong ngăn mát vẫn không đông lại thì bạn có cơ sở để nghi ngờ độ tinh khiết của loại dầu dừa mà bạn đang sỡ hữu”.
Dầu dừa bẩn, thì vẫn là dầu dừa tuy có bị pha hóa chất. Do vậy, nó vẫn đông khi để ở nhiệt độ dưới 25 độ C. Chỉ có dầu dừa được pha trộn với các loại dầu khác như: dầu đậu nành, dầu hướng dương, và tỉ lệ các dầu khác tương đối nhiều, thì mới thử được theo cách tác giả viết.
3. Sử dụng dầu dừa để dưỡng da và dưỡng tóc: tôi tán thành với tác giả:
- Dưỡng tóc: nếu ai bị rụng tóc, có thể dưỡng bằng dầu dừa một thời gian, hết rụng thì nên thôi, và chỉ nên ủ 1-2 lần/tuần. Sao vậy, vì sau khi dưỡng, gội lại vất vả lắm. Bạn phải dùng nước của vài trái chanh tươi đổ lên tóc, vò đi vò lại, may ra nó mới hết bết. Mà tóc bết thì khó chịu đến thế nào, ai cũng biết.
- Dùng dầu dừa để dưỡng da, chữa mụn: phải biết cách dùng cho đúng phương pháp.
• Với bạn nào da khô, có thể dùng dầu dừa nguyên chất để bôi thẳng lên da sạch (đảm bảo là chất lượng dầu phải tốt).
• Với da nhờn: bạn nên làm kem từ dầu dừa, để cho dầu được pha loãng ra. Các bạn có thể tham khảo cách làm kem bằng dầu dừa + nha đam + vitamin E + bột sắn dây của tôi trên mạng. Lưu ý là không dùng sáp ong cho vào kem để làm sánh nhé. Sáp ong bít lỗ chân lông, bạn sẽ bị mụn
• Với da mụn: dùng dầu dừa trộn với 1 chút mật ong nguyên chất, sau khi rửa mặt bằng dấm táo để tự khô, thì bôi lên. Chỉ để độ 1 tiếng là phải rửa sạch đi. Mật ong và dầu dừa đều giúp diệt khuẩn, sẽ diệt vi khuẩn vùng có mụn. Dầu dừa tạo độ ẩm, làm da mặt cân bằng.
• Khi bị dị ứng, bạn có thể dùng dầu dừa massage đều vào phần da bị ngứa độ 15 phút, sau đó chỉ để thêm độ 30 phút rồi phải rửa sạch đi, nhất là khi nhiệt độ bên ngoài cao. Tối kị bôi dầu dừa trực tiếp lên da khi bị ra mồ hôi.
4. Ăn nhiều gây hại: ở đây tôi muốn có câu hỏi với tiến sĩ Phong: ăn bao nhiêu thì gọi là nhiều? Tôi (và cả nhà), mỗi người ăn mỗi ngày quãng 50 ml dầu olive extra virgin và 60 ml dầu dừa (trong đó uống 45 ml, nấu nướng chắc độ 15ml), thì có gọi là nhiều không? Từ khi ăn theo chế độ này (cũng vài năm rồi, chỉ tội uống trực tiếp dầu thì tôi mới thực hiện từ tháng 4 đến nay), tôi thấy rất khỏe, bụng nhỏ đi, da dẻ săn chắc và mịn. Quan điểm về việc ăn nhiều chất béo bão hòa là không tốt, hiện nay đã bị lung lay tận gốc rễ. Nếu các bạn quan tâm, có thể tìm đọc các quyển sách của Giáo sư bác sĩ Bruce Fife (Coconut Cures, Coconut Oil Miracle...) về tác dụng của dầu dừa, hoặc các quyển như hình dưới đây. Cũng có thể tham khảo phương pháp của Dr. Robert C. Atkins về chế độ ăn giàu chất béo để chữa các bệnh mãn tính như: tim mạch, tiểu đường...Dr. Atkins đã chữa khỏi cho quãng hơn 60,000 bệnh nhân chỉ bằng chế độ ăn ít chất bột, nhiều chất béo ( bão hòa và chưa bão hòa).

Phần kết của tác giả, theo tôi, là hơi "cưỡng ép", khi nêu lên là quá trình sản xuất nào cũng có thể bị nhiễm bẩn, nếu ăn nhiều thì có hại. Cuối cùng thì chúng ta vẫn phải ăn để tồn tại, nếu không ăn dầu dừa và dầu olive extra virgin (là hai loại dầu được các nhà khoa học đánh giá là tốt nhất cho sức khỏe), mà chọn các loại dầu ăn khác, thì cái hại bị nhân lên gấp nhiều lần. Sử dụng hoặc ăn quá nhiều một thứ, tất nhiên là không tốt, vì cơ thể sẽ bị thừa cái này, và thiếu cái kia. Một chế độ ăn cân bằng, với nhiều rau và trái cây, các loại thực phẩm nguyên hạt chưa bị tinh chế, nhiều chất béo tốt, là tốt cho sức khỏe. Nhưng phải nhớ là thức ăn phải luôn đủ để cung cấp năng lượng cho cơ thể. Tôi hay dựa trên mức 2000 calories/ngày. Mà calories thì chủ yếu lấy từ nguồn đạm, chất béo và chất bột. Với gia đình tôi: quãng 50 - 60% calorie (1 ml dầu cung cấp hơn 9 calories), được cung cấp từ chất béo thực vật là dầu dừa và dầu olive extra virgin, tôi thấy rất tốt cho sức khỏe., vì chúng tôi tự nguyện làm "thỏ thí nghiệm" mấy năm nay rồi.

Tôi mong bài viết này là một tiếng nói (có thể trái chiều tại thời điểm này), nhưng nó là những kiến thức mới nhất tôi tìm và đọc được từ những năm 2009 đến nay. Không phải là không có lý do, khi hàng ngày, hàng giờ, trên kệ thực phẩm tại các siêu thị lớn ở các nước tiên tiến, ngày càng xuất hiện nhiều những sản phẩm làm từ dừa, đặc biệt là dầu và dấm dừa, cùng với các sản phẩm thiên nhiên tốt cho sức khỏe. Cũng không phải là tất cả dân chúng đều tin vào hệ thống chính thống, khi nhận ra có những quan niệm chính thống FDA chính thức công bố, nay được nhiều nhà khoa học chân chính đem ra nghiên cứu và chứng minh ngược lại: về chất béo, về các phương pháp chữa ung thư...
Không có cái gì là vĩnh cửu, kể cả các nghiên cứu khoa học được coi là đã được chứng minh, vì sự chứng minh đó có thể bị bóp méo, như sự thật về chất béo trong quyển sách The Big Fat Supprise dưới đây.
Tôi đã thuyết phục được anh Hai Nguyen, để anh nhận lời dịch nó, nhưng chưa biết bao giờ xong.
Vậy thì: mỗi người hãy tự nắm trong tay vận mệnh và sức khỏe của mình, bằng cách đọc và so sánh thông tin, để chọn cho mình những điều tốt nhất.


Created with the Personal Edition of HelpNDoc: Generate Kindle eBooks with ease