Cách chọn thực phẩm có tính kiềm tốt cho sức khỏe (St)

Parent Previous Next


Cách chọn thực phẩm có tính kiềm tốt cho sức khỏe


Một chế độ ăn uống lành mạnh lý tưởng nhất nên bao gồm 80% thực phẩm có tính kiềm và 20% thực phẩm có tính axit.


Độ pH lý tưởng của cơ thể con người là 7,365 hơi có tính kiềm. Vì thế, cơ thể con người có rất nhiều cơ chế bên trong luôn hoạt động liên tục để duy trì độ pH trong khoảng từ 7,35 – 7,45 cần thiết để ngăn ngừa các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng có thể xảy ra. Độ pH cơ thể càng gần với giá trị lý tưởng, thì sức khỏe càng dễ được duy trì trong thời gian dài. Tuy nhiên, nhiều loại thực phẩm có tính axit cao buộc cơ thể phải hoạt động quá tải để trung hòa axit và giữ cho độ pH trong máu ổn định. Nếu máu của chúng ta trở nên dư thừa axit, đồng nghĩa với việc cơ thể sẽ dễ bị bệnh tật tấn công.

Một chế độ ăn uống lành mạnh lý tưởng nhất nên bao gồm 80% thực phẩm có tính kiềm và 20% thực phẩm có tính axit. Một chế độ ăn uống tiêu thụ số lượng lớn các loại thực phẩm tính kiềm sẽ làm giảm gánh nặng của cơ thể trong việc trung hòa axit và giúp hấp thụ các chất dinh dưỡng trong thực phẩm dễ dàng hơn.


Nhưng để phân biệt loại thực phẩm nào có tính kiềm và loại thực phẩm nào có tính axit thì quả thật lại không dễ chút nào. Những loại thực phẩm chúng ta nghĩ có tính axit lại không hề hình thành axit một khi được cơ thể chuyển hóa. Ví dụ như dấm táo và nước cốt chanh. Chúng có tính axit trên lưỡi nhưng lại có tính kiềm bên trong cơ thể.


Thực phẩm nào có tính axit?


Thực phẩm có tính axit có thể gây khó khăn cho cơ thể trong việc tiêu hóa và cũng khiến thận làm việc nhiều hơn. Thực phẩm có tính axit được chia thành các nhóm:

- Thịt gia xúc, gia cầm
- Trứng
- Bơ sữa (đặc biệt là bơ và pho mát)
- Ngũ cốc
- Thực phẩm tinh chế (đường, gạo trắng và bột mì)


Bạn không cần phải loại bỏ hoàn toàn những loại thực phẩm này khỏi chế độ ăn uống mà chỉ cần duy trì chúng khoảng 20% lượng thực phẩm bạn tiêu thụ mỗi ngày.


Thực phẩm nào có tính kiềm?


Trái cây và rau quả tạo môi trường kiềm cho cơ thể nên chiếm phần lớn trong chế độ ăn uống của bạn. Mục đích là giúp giảm tải cho thận và cơ thể khi bạn ăn ít đi các loại thực phẩm có tính axit. Còn có một nguyên nhân khác là các loại thực phẩm có tính kiềm sẽ dễ tiêu hóa hơn, vitamin, khoáng chất và chất dinh dưỡng cũng dễ dàng được cơ thể hấp thụ hơn.


Có thể bạn sẽ không ngạc nhiên, nhưng thực phẩm có tính kiềm là một trong những loại thực phẩm lành mạnh nhất. Dưới đây là 5 nhóm thực phẩm có tính kiềm dễ dàng thêm vào bữa ăn trong ngày của bạn:


1. Thực phẩm có màu xanh đậm


Dưa chuột và cần tây có rất nhiều kiềm do hàm lượng nước dồi dào của chúng. Rau lá xanh (cải xoăn, cải xanh collard, rau bina, cải cầu vồng), cỏ lúa mì non (wheat grasses), rau mầm (sprouts) và rau mini (micro-greens) cũng rất tốt do chúng giúp tăng lượng oxy mà máu có thể hấp thụ.


2. Trái cây họ cam quýt


Các loại trái cây họ cam quýt (chanh, bưởi, quýt) là những loại trái cây có tính kiềm nhiều nhất mà chúng ta ăn hiện nay. Axit citric có trong trái cây họ cam quýt khi vào cơ thể sẽ chuyển hóa thành nước và các chất kiềm khác, vì vậy bạn nên thêm chanh vào khẩu phần nước mỗi ngày.


3. Rau họ cải


Một trong số các loại rau có tính kiềm cao nhất là rau họ cải như bông cải xanh, súp lơ, bắp cải và bắp cải con (brussels spout). Rau họ cải có chứa isothiocyanate, một phân tử giúp chống lại sự phát triển của tế bào ung thư bên trong cơ thể con người. Vì thế bạn hãy ăn nhiều rau họ cải để tăng độ kiềm cho cơ thể và chống lại ung thư.


4. Quả mọng


Đừng bỏ qua những loại quả mọng nước! Những loại quả mọng nước có lượng đường thấp như dưa hấu, đu đủ và dứa là đề cử sáng giá trong danh sách những trái cây có tính kiềm.


5. Nho khô, quả hạch + các loại hạt


Nho khô và chà là có tính kiềm cao, vì thế đừng quên mang theo một ít cùng với quả hạch và các loại hạt khi bạn đi bên ngoài. Nho khô giúp cơ thể giữ nitơ, cần thiết để máu kiềm tái tạo cơ bắp. Và hạnh nhân rất giàu canxi và magiê, giúp ích cho quá trình kiềm hóa cơ thể.


Những sự lựa chọn khác:

- Quả bơ
- Rau củ (củ cải đường, cà rốt, khoai lang)
- Atisô
- Dưa chuột
- Măng tây
- Ớt chuông
- Các loại thảo mộc và gia vị (rau mùi tây, gừng, ớt bột, bột nghệ)


Tóm lại, mục đích ăn các loại thực phẩm có tính kiềm là để cân bằng với các loại thực phẩm có tính axit. Ví dụ, ăn một phần rau với trứng vào buổi sáng. Ăn salad trộn rau xanh cùng một chút pho mát bào vào buổi trưa hoặc tối. Một vài điều chỉnh cần thiết sẽ giúp cơ thể bạn khỏe mạnh, tràn đầy năng lượng và ít bị bệnh tật ghé thăm!


Created with the Personal Edition of HelpNDoc: Easily create EBooks