TRANG CHỦ CAMNANG

KHÁM PHÁ BOSPHORUS – EO BIỂN HẸP NHẤT THẾ GIỚI

Eo biển Bosphorus trải dài giữa hai châu lục, là con đường huyết mạch nối liền hai châu lục Á – Âu, cũng là cửa biển đầu tiên của các quốc gia ven biển Đen. Ngoài việc đóng vai trò quan trọng về địa lý, eo biển Bosphorus còn nổi tiếng bởi hàng loạt di tích lịch sử mang đậm nét văn hóa tiêu biểu của nhân loại như: Cung điện của đế chế Byzantine, cây cầu khổng lồ nối hai bờ châu lục, giáo đường Sophie… Cùng với đó, nơi đây cũng là điểm cuối cùng của Con đường tơ lụa vang bóng một thời. Vì vậy du ngoạn bằng thuyền trên eo biển Bosphorus chắc chắn là hoạt động bạn không thể bỏ qua tại địa điểm độc đáo này.

Lịch sử của Bosphorus

Istanbul, thành phố lớn nhất ở Thổ Nhĩ Kỳ thường được cho là thuộc châu Âu, mặc dù nó nằm trên hai lục địa khác nhau. Một phần của thành phố ở châu Âu, phần khác ở châu Á. Phần châu Âu của Istanbul tách với phần châu Á bởi eo biển Bosphorus –  đường giao thông thủy dài 31km –  nối Biển Đen với Biển Marmara, hình thành một đường biên giới tự nhiên giữa hai lục địa.

Tên Bosphorus trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là “eo biển bò”, dựa theo thần thoại về thần Zeus. Truyền thuyết kể rằng thần Zeus đem lòng yêu Io, một phụ nữ xinh đẹp, thông minh. Tuy nhiên, vợ thần Zeus là Nữ thần Hera phát hiện ra mối tình vụng trộm đã trở nên vô cùng giận dữ. Nhằm giúp người tình thoát khỏi sự ghen tuông của Hera, thần Zeus biến nàng thành con bò chạy trốn qua eo biển và cái tên Bosphorus ra đời.

Cảnh đẹp nào mình sẽ được ngắm khi đi du ngoạn bằng thuyền?

Tùy vào lịch trình, thông thường chuyến du ngoạn bằng thuyền kéo dài trong 2 tiếng từ cảng biển Golden Horn lên tới cầu Bosphorus. Bạn sẽ có cơ hội thưởng ngoạn cảnh quan đẹp tuyệt hai bên bờ eo biển như:

Cung điện Topkapi

Cung điện Topkapi chính là mái nhà đầu tiên để nghỉ ngơi, làm việc và trị vì của các vị vua Ottoman trong gần 400 năm. Cùng với những ngọn tháp mang tính biểu tượng của Nhà thờ Hồi giáo XanhAyasofya, cung điện Topkapi là một nét đặc trưng của đường chân trời Istanbul. Ra đời trên chính những di tích còn sót lại của triều đại Byzantine, tiếp nối vinh quang của quyền lực thời trước, cung điện Topkapi là nhân chứng cho những vinh quang tột độ cũng như bi kịch đau lòng nhất trong lịch sử Đế quốc Ottoman. Vào thời kỳ hưng vượng nhất, đế chế này trải rộng khắp châu Á, châu Âu và châu Phi. Sau khi Đế quốc Ottoman sụp đổ, ngày 3/4/1924, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã biến cung điện thành viện bảo tàng lưu giữ những di tích còn sót lại của một triều đại và là bảo tàng đầu tiên của quốc gia này. Cung điện có hàng trăm phòng nhưng chỉ một phần nhỏ trong số đó mở cửa cho du khách tham quan. Bên cạnh kiến trúc, cung điện còn nổi tiếng với những hiện vật còn lưu giữ lại của đế chế Ottoman như : phòng ngủ, quần áo – trang phục của đế chế, gươm – kiếm, vàng – bạc – kim cương, ngai vàng. Quý nhất trong số hiện vật trong cung điện là viên kim cương Spoonmaker Diamond 86 cara xung quanh được bọc thêm 49 viên kim cương và nó được biết đến là một trong 22 viên kim cương được biết nhiều nhất trên thế giới.

Tòa tháp Maiden (Kiz Kulesi)

Giữa đại dương màu xanh ngọc lam và ánh hào quang của huyền thoại, tòa tháp Maiden trông thật lãng mạn. Năm 1110, Hoàng đế Byzantine Alexius Comnenus đã xây dựng tòa tháp đầu tiên trên hòn đảo nhỏ bé này với nhiệm vụ là canh gác và thu thuế từ tàu bè qua lại, mặc dù chỉ là một tòa tháp gỗ khiêm tốn được bảo vệ bởi một bức tường đá. Kể từ năm 1721, tòa tháp đá chuyển thành ngọn hải đăng. Sau đó tháp được sử dụng như một nơi hành hương cho khách du lịch từ năm 1992.  Xung quanh tháp có vô số truyền thuyết bí ẩn được lưu truyền từ đời này sang đời khác.

Cung điện Ciragan

Cung điện Ciragan trước đây nay là khách sạn 5 sao Ciragan Palace Kempinski sang trọng nhất Thổ Nhĩ Kỳ. Cung điện có một lịch sử hấp dẫn kể từ khi được xây dựng vào năm 1867. Các bức tường bên trong và mái nhà được làm bằng gỗ, các bức tường bên ngoài bằng đá cẩm thạch đầy màu sắc. Cây cầu bằng đá cẩm thạch tuyệt đẹp nối cung điện với Cung điện Yıldız trên ngọn đồi phía sau. Một bức tường vườn rất cao bảo vệ cung điện khỏi thế giới bên ngoài.

Nó đã được quốc hội sử dụng một thời gian ngắn trước khi bị một trận hỏa hoạn lớn phá hủy cung điện vào năm 1910 chỉ còn lại những bức tường. Sau đó nơi này được gọi là "Şeref Stadı” khi sử dụng như một sân vận động bóng đá cho Beşiktaş trước khi được cải tạo vào năm 1989 và một lần nữa vào năm 2007 bởi một tập đoàn Nhật Bản bằng việc thêm một khu khách sạn hiện đại bên cạnh khu vườn nguyên thủy. Kiến trúc khách sạn theo phong cách cổ điển với các họa tiết, những chiếc cột, mái vòm kiểu Ả Rập và Trung Đông.

Cung điện Dolmabahce

Cung điện Dolmahbace nằm tại eo biển hẹp Bosphorus của châu Âu ở vị trí mà trước đây là vũng vịnh vua Ottoman cho neo đậu hạm đội thuyền. Đây là cung điện lớn nhất và là một trong những nơi xa hoa nhất ở Thổ Nhĩ Kì thuộc tổ hợp kiến trúc gồm đền đài, nhà thờ Hồi giáo, thư viện, sân vườn, đài phun nước... Cung điện này có diện tích là 45.000 m2 và có 285 căn phòng, 46 hội trường, 6 phòng tắm và 68 nhà vệ sinh. Nó được thiết kế theo phong cách kiến trúc Baroque, Rococo và tân cổ điển, pha trộn với kiến trúc truyền thống Thổ Nhĩ Kỳ để tạo ra một công trình tổng hợp mới và hiện đại hơn so với những cung điện trước đó. Bên trong Dolmabahce là cả một không gian xa xỉ với 14 tấn vàng lá trang trí trần nhà, các đèn chùm pha lê Bohemian cao cấp, cầu thang thủy tinh nổi tiếng và bộ sưu tập pha lê Bohemian lớn nhất thế giới. Các bức tường được trang trí bởi hơn 200 bức tranh do họa sĩ Ivan Aivazovsky và nhiều họa sĩ nổi tiếng khác chế tác. 

Trường trung học Kabatas Erkek Lisesi

Một trong những trường trung học lâu đời nhất và nổi tiếng nhất ở Thổ Nhĩ Kỳ, trường trung học Kabataş đã đào tạo nhiều chính trị gia Thổ Nhĩ Kỳ cùng với các nhà văn, nhà thơ và nhạc sĩ nổi tiếng. Về cơ bản, trường có chất lượng tương đương với trường Eton ở Anh, nhưng không giống như Eton, các nữ sinh cũng đã được nhận vào Kabataş từ năm 1994.

Phố cổ Ortakoy

Khu phố cổ thú vị nhất Istanbul chính là Ortaköy – tiếng Thổ Nhĩ Kỳ có nghĩa là "ngôi làng dành cho tầng lớp trung lưu". Nổi tiếng với văn hóa quán cà phê, quán ăn đường phố, chợ bán đồ thủ cồng cùng phòng trưng bày nghệ thuật, Ortaköy thu hút khách du lịch với nhịp sống nhộn nhịp của người dân địa phương – nơi các cộng đồng di cư của người Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp, Armenia và Do Thái sống cùng nhau – và đặc biệt là tam giác nhà thờ Hồi giáo, nhà thờ Thiên chúa giáo và giáo đường Do Thái.

Nhà thờ hồi giáo Great Mecidiye Mosque

Great Mecidiye Mosque, tức nhà thờ hồi giáo Mecidiye vĩ đại, còn được gọi là nhà thờ hồi giáo Ortaköy. Nằm dọc theo phố cổ Ortaköy, ngay trên mép nước bên cạnh lối đi dạo của Ortaköy và ngay trước cầu Bosphorus, nhà thờ Hồi giáo theo phong cách tân baroque xinh đẹp và trang trí công phu có lẽ là địa danh ven biển bắt mắt nhất mà bạn sẽ thấy khi ngồi trên chuyến du thuyền dọc theo Bosphorus. Sau trận động đất năm 1894, phần mái tháp đã được sửa chữa. Vào năm 1960, phần nền nhà thờ được cải thiện sau trạng thái gần như sụp đổ. Và một lần nữa nhà thờ được cải tạo sau khi bị hỏa hoạn phá hủy vào năm 1984. Sau quá trình phục hồi hoàn toàn từ năm 2011 - 2014, nhà thờ đã mở cửa trở lại cho du khách vào thăm và cho các dịch vụ tôn giáo hoạt động từ 6/6/2014.

Cung điện Beylerbeyi Sarayi

Một cung điện khác ngay lập tức thu hút ánh nhìn của bạn là dinh cơ mùa hè Beylerbeyi Sarayi nằm gần đầu phía Châu Á của Cầu Bosphorus. Cung điện được xây dựng với mục đích là nơi giải khuây cho các nguyên thủ quốc gia ghé thăm. Được thiết kế bởi Sarkis Balyan, cung điện Beylerbeyi là một ví dụ tiêu biểu cho kiến ​​trúc cung điện Thổ Nhĩ Kỳ. Trải rộng khắp 3 tầng với hơn 20 phòng, cung điện có không gian riêng biệt dành cho nam giới và phụ nữ.

Đại học Galatasaray

Được biết đến như một trường đại học vào năm 1992, tòa nhà ấn tượng này ban đầu là Cung điện Feriye – cung điện mùa hè ven biển trên Bosphorus được xây dựng vào năm 1871 cho Sultan Abdülaziz. Các khóa học tại trường đại học được giảng dạy bằng ba ngôn ngữ (tiếng Thổ Nhĩ Kỳ, tiếng Anh và tiếng Pháp) và tổ chức này được coi là một trong những trường đại học uy tín và đáng chú ý nhất ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Cầu Bosphorus

Kể từ khi hoàng đế Ba Tư Darius đề xuất ý tưởng xây dựng cây cầu bắc qua Bosphorus vào năm 490 trước Công nguyên, những người cai trị Istanbul đã mơ về một cây cầu nối các lục địa châu Âuchâu Á. Theo thời gian, ý tưởng biến thành đề án rồi được khởi công xây dựng năm 1968. Năm 1973, nhân kỷ niệm 50 năm nước cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ, cây cầu đó cuối cùng đã thông quan. Ngày nay, đây là một trong hai cây cầu treo bắc qua eo biển Bosphorus, cái còn lại là cầu Fatih Sultan Mehmet ở phía bắc còn được gọi là cầu Bosphorus II. Từ năm 2007, cầu Bosphorus được trang bị hệ thống đèn led đổi màu có hoa văn độc đáo làm rực sáng cây cầu vào ban đêm, tạo thành điểm nhấn hiện đại bên cạnh di tích lịch sử cho thành phố Istanbul.



Cầu dài 1.510 m, rộng 39 m với chiều cao thông thuyền là 64 m và phục vụ 6 làn xe một lúc. Bosphorus là một trong những đường thủy tấp nập nhất thế giới với khoảng 48.000 tàu đi qua eo biển này hàng năm, nhiều hơn 3 lần so với kênh đào Suez và 4 lần kênh đào Panama. Bosphorus nằm ở vị trí đông bắc biển Marmara nối với biển Đen, kết nối 2 bờ Âu - Á. Nhờ thế, các tour du thuyền trên biển rất phát triển tại đây. Du ngoạn trên eo biển Bosphorus hoặc thưởng thức bữa tối lãng mạn ngắm cầu và tàu thuyền qua lại là những trải nghiệm không thể bỏ qua khi đến Istanbul trong hành trình du lịch Thổ Nhĩ Kỳ. Ước tính khoảng 15 triệu du khách đặt chân tới Istanbul mỗi năm.  

(Tổng hợp)