TRANG CHỦ CAMNANG

Bí kíp đi chùa Bái Đính chuẩn chỉnh từ A đến Z

Nếu hỏi địa điểm nào được check-in nhiều nhất ở Ninh Bình, thì câu trả lời chính là chùa Bái Đính. Đây là một quần thể chùa chiền nằm trên núi Bái Đính ở xã Gia Sinh, huyện Gia Viên, cách cố đô Hoa Lư 5km về phía Tây Bắc, cách thành phố Ninh Bình 12km. Nhìn bằng mắt thường bạn cũng đã thấy choáng ngợp trước sự đồ sộ của công trình Phật giáo này. Kiến trúc khu chùa Bái Đính mới nổi bật với những hình khối lớn, mang đậm dấu ấn kiến trúc Việt Nam.

Cách ngôi chùa cổ 800m, khu chùa Bái Đính mới được đầu tư xây dựng với quy mô khổng lồ với thiết kế độc đáo đã phá vỡ nhiều kỷ lục như: ngôi chùa có kích thước lớn nhất Việt Nam, tượng phật lớn nhất bằng vật liệu đồng mạ vàng, hành lang dài nhất khoảng 100m trưng bày 500 bức tượng La Hán bằng đá nguyên khối. Sau đó, khu phức hợp văn hóa & tâm linh chùa Bái Đính đã trở thành ngôi chùa lớn nhất trong ASEAN và thu hút sự chú ý của công chúng trong nước và quốc tế.

(Instagram @nhu_halo)

1. Đến chùa Bái Đính như thế nào?

Với thời gian tham quan chỉ 1 ngày, bạn có thể tới Ninh Bình để khám phá khu du lịch Ninh Bình - Tràng An và chùa Bái Đính bằng nhiều cách khách nhau:

Từ Hà Nội, bạn có thể đi bằng xe khách sau đó đi xe ôm, taxi hoặc thuê xe máy để di chuyển vào khu du lịch Tràng An – Bái Đính. Khoảng cách từ thành phố Ninh Bình đến Tràng An là 7km và từ Tràng An đến Bái Đính 7km.

Bạn cũng có thể sử dụng phương tiện xe máy để khởi hành đến Ninh Bình khám phá danh thắng Tràng An – chùa Bái Đính (từ Hà Nội xuống Ninh Bình cách 80km theo quốc lộ 1A). Loại phương tiện này phù hợp cho các bạn trẻ đam mê đi phượt. Hiện nay đường xá đi lại rất dễ dàng vì vậy bạn có thể chỉ mất 2 – 3 tiếng là có thể về tới Ninh Bình. Tuy nhiên để đảm bảo an toàn cho hành trình bạn cần chú ý những đoạn dường rẽ quẹo rất trơn trượt và dễ bị ngã khi trời mưa, đồng thời nên mang đầy đủ giấy tờ tùy thân khi tham gia giao thông.

Từ Hà Nội bạn cũng có thể tới Ninh Bình bằng đường sắt. Đi tàu thì an toàn và giá rẻ, nhưng bất tiện về thời gian nên bạn có thể cân nhắc để chọn hành trình phù hợp nhất cho mình.

Nếu bạn lựa chọn phương án đi tự túc, bạn nên chủ động xuất phát sớm khoảng 05-06 giờ sáng, đến Ninh Binh khoảng tầm 07h00 – 08h00 sáng để có thời gian thăm quan và nghỉ ngơi thoải mái nhất.

Ngoài ra bạn có thể lựa chọn đi theo tour trọn gói du lịch Bái Đính – Tràng An để tiết kiệm chi phí.

(Instagram @lethanh2408)


2. Ngoài mùa xuân, còn thời điểm lý tưởng nào để đến chùa Bái Đính?

Hằng năm, thời điểm mùa xuân Tết Nguyên đán là lúc nơi đây nhộn nhịp nhất khi khách du lịch nườm nượp  kết hợp du xuân, vãn cảnh chùa, lễ chùa và tham quan danh thắng Tràng An để cầu nguyện năm mới luôn mạnh khỏe, hạnh phúc, thịnh vượng và gặp nhiều may mắn.

Nếu như là tuýp người không thích phải bon chen, ồn ào thì bạn cũng có thể chọn thời điểm khác để tham quan chùa Bái Đính và chiêm ngưỡng vẻ đẹp đa diện của toàn cảnh khu phức hợp. Bốn mùa nơi đây đều xứng đáng để bạn dành thời gian tận hưởng: lúc trầm mặc tĩnh lặng vào mùa đông và nếu muốn hòa mình vào không khí lễ hội bạn có thể kết hợp ghé qua Nhà thờ đá Phát Diệm vào đêm Giáng sinh, khi mát mẻ và thoáng đãng dưới bầu trời trong xanh của mùa hè, và đặc biệt là vào mùa thu khi cảnh vật ẩn hiện dưới làn sương mờ ảo điểm xuyết cỏ lau trắng và bông súng tím cùng màu nước hồ Tràng An xanh biếc tạo nên cảnh sắc vô cùng nên thơ.

(Instagram @teami.i)




3. Nên chọn trang phục ra sao khi đi chùa Bái Đính?

Bạn nên đi giày thể thao để bảo vệ đôi chân cũng như tiện cho việc di chuyển bởi sẽ phải leo núi, leo chùa khá nhiều. Trang phục khi vào chùa nhất thiết phải là áo có tay, quần hoặc váy dài che kín chân, bằng chất liệu thấm mồ hôi không bó sát.

Dịp đầu xuân thường có mưa phùn lất phất, do đó bạn nên mang theo một chiếc ô gấp nhỏ dự phòng, áo khoác có mũ chất liệu chống thấm nước. Du lịch miền Bắc vào mùa hè bạn nên đeo kính mát, đội mũ, áo khoác chống nắng. Và tất nhiên cần giữ ấm triệt để vào mùa đông rồi!

(Instagram @taytruong2212)


4. Những địa điểm tham quan trong chùa Bái Đính

Bảo Tháp với chiều cao 100 m, 13 tầng, có thang máy và 72 bậc leo. Tòa bảo tháp là nơi trưng bày xá lợi Phật từ Ấn Độ. Từ trên tầng thượng của Bảo Tháp, du khách được ngắm trọn vẹn quần thể chùa Bái Đính diện tích 539 ha, bao gồm 27 ha khu chùa Bái Đính cổ, 80 ha khu chùa Bái Đính mới.

Điện Tam Thế là một toà cao, rộng, đồ sộ nhất ở khu chùa Bái Đính, nằm trên đồi cao nhất vùng, chiều cao tới nóc 34m, dài 59,1m, rộng hơn 40m, diện tích trong nhà 2.364m2.

Tháp chuông với hình dáng tựa hoa sen là một trong những kiến trúc nổi bật của quần thể du lịch tâm linh Bái Đính.

Điện Quan Thế Âm Bồ Tát kiến trúc theo kiểu lộng tàn, chồng giường, tiền bẩy, hậu bẩy, xà nách, cột chốn, góc kẻ chuyền, có hai tầng mái uốn cong ở bốn phía, tổng số là 8 mái và một hàng cổ lâu để nâng độ cao, lấy ánh sáng, thông khí. Điện cũng lợp bằng ngói men ống Bát Tràng. Trong điện có 32 cột, gổm 2 hàng cột cái, mỗi hàng 6 cột và 4 phía có 20 cột xung quanh. Cột cái của điện đều làm bằng gỗ tứ thiết, mồi cột cái cao 11,8m, đường kính 0,7m; cột con cao 4,8m, đường kính 0,56m. Tất cả 32 cột đều được đặt trên các tảng đá hoa sen hình vuông.

Hành lang La Hán được thiết kế hoàn toàn bằng gỗ, các vì kèo mái được kết cấu kiểu giá chiêng chồng giường con nhị, gồm 2 dãy, dài 3.400m với 250 gian, mỗi gian có kích thước 4,5m x 4,5m. Dọc hai hành lang tả, hữu đặt 500 pho tượng La Hán tạc bằng đá nguyên khối, do các nghệ nhân làng nghề đá Ninh Vân (Hoa Lư – Ninh Bình) chế tác.


Điện pháp chủ chùa Bái Đính thờ Phật Tổ xây dựng toàn bằng bê tông cốt thép giả gỗ rất đồ sộ, hoành tráng. Điện có 5 gian, gian giữa rất rộng, dài đến 13,5m, 4 gian hai bên, mỗi gian dài 8,13m.

Tượng Phật Di Lặc đặt trên đỉnh đồi cao nhất trong khu chùa, cao khoảng 100m so với sân chùa. Đó là Phật Vị Lai, đúc bằng đồng ở tư thế hóa thân thành Hòa thượng đi hành khất. Bức tượng tạo hình Phật bằng đồng, nặng 80 tấn, cao 10 m, an vị trên ngọn đồi của chùa Bái Đính được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam - Vietkings công nhận là tượng Di Lặc lớn nhất nước.