TRANG CHỦ CAMNANG

ĐI ĐÂU CHƠI GÌ KHI MIỀN TÂY VÀO MÙA NƯỚC NỔI ?


Cứ vào mùa nước nổi, miền Tây lại nhộn nhịp bởi những khu chợ nổi tấp nập, những trải nghiệm mà không thể tìm thấy ở bất cứ nơi nào khác. Miền Tây mùa nước nổi mang một cảnh sắc hoàn toàn khác lạ so với mùa khô. Vẫn là vẻ đẹp thanh bình, vẫn là cảnh sắc thiên nhiên trù phú cùng người dân miền Tây thân thiện ấm áp, nhưng vào thời điểm nước nổi thì những đàn cá kéo về cùng nước lũ đã mang đến cho người dân nơi đây một nguồn tài nguyên thủy sản khổng lồ. Cùng với đó, miền Tây trở thành địa điểm du lịch hấp dẫn hơn bao giờ hết với muôn vàn điều kỳ diệu, lý thú mà chỉ có đi du lịch mùa nước nổi mới được chiêm ngưỡng khám phá.

Miếu bà Chúa Xứ

Mỗi khi nhắc tới núi Sam hay Châu Đốc thì ai ai cũng nghĩ tới miếu Bà Chúa Xứ. Với sự linh thiêng và ứng nghiệm, cầu được ước thấy, chẳng biết tự bao giờ miếu bà Chúa Xứ đã trở thành điểm tựa tâm linh của người dân An Giang cũng như người dân khắp nơi trên cả nước. Hàng năm, địa điểm này thu hút hàng triệu lượt khách đến tham quan, cúng viếng. Không chỉ là trung tâm văn hóa tín ngưỡng của người dân An Giang nói riêng và dân miền Tây nói chung mà còn là địa điểm du lịch tâm linh hấp dẫn trong những ngày lễ, Tết.

Miếu Bà Chúa Xứ núi Sam không chỉ nổi tiếng linh thiêng mà còn biết đến với lối kiến trúc độc đáo và đẹp mắt. Ngày trước miếu Bà được xây dựng đơn sơ bằng tre lá, nằm quay về hướng tây bắc, phần lưng thì quay về vách núi, còn chính điện nhìn ra con đường và cánh đồng làng. Trong 4 năm từ 1972 đến 1976, miếu Bà được hai kiến trúc sư Huỳnh Kim Mãng và Nguyễn Bá Lăng tái thiết lớn tạo nên dáng vẻ như hiện nay. Miếu có kiến trúc dạng chữ “quốc”, hình khối tháp dạng như hoa sen đang nở. Mái tam cấp ba tầng lầu được lợp bằng ngói đại ống màu xanh ngọc bích đẹp mắt, góc mái thì vút cao như mũi thuyền đang lướt sóng.

Bên trong miếu thì lại được thiết kế và trang trí mang đậm nét nghệ thuật Ấn Độ. Các cánh cửa miếu được các nghệ nhân chạm trổ, điêu khắc tinh xảo. Đặc biệt, nhiều liễn đối và hoành phi ở nơi đây cũng được dát vàng son rực rỡ.

Tượng Bà được người dân đặt ở giữa chính điện, xung quanh đó còn có bàn thờ Hội đồng ở phía trước, Tiền hiền và Hậu hiền thì đặt hai bên. Bàn thờ Cậu đặt ở bên trái, có thờ một Linga bằng đá rất to, cao khoảng 1,2m, còn bàn thờ Cô thì ở bên phải thờ một tượng nữ thần nhỏ bằng gỗ,…  Miếu Bà Chúa Xứ là một trong những danh lam của núi Sam mang đậm dấu ấn lịch sử của dân tộc. Đây cũng là nơi để người dân đến thắp hương, cúng bái, cầu mong một cuộc sống ấm no, hạnh phúc.




Tây An cổ tự

Là một ngôi chùa Phật giáo - biểu tượng lịch sử cho sự giao lưu kiến trúc giữa Việt Nam và Ấn Độ, chùa Tây An hay còn được gọi là Tây An cổ tự tọa lạc tại ngã ba, dưới chân núi Sam (nay thuộc phường Núi Sam, thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang). Đây là một ngôi chùa có lối kiến trúc khá độc đáo, mang dáng dấp của những ngôi chùa Ấn Ðộ, có sự kết hợp hài hoà với cảnh trí thiên nhiên, tạo một vẻ đẹp lộng lẫy. Điểm nhấn ấn tượng nhất của chùa là 3 ngôi cổ lầu nóc tròn hình củ hành, màu sắc sặc sỡ nhưng hài hòa. Đồng thời, đây cũng là một mô típ kiến trúc có dáng dấp Ấn Độ nhưng lại có bố cục hài hòa với lối kiến trúc chữ tam theo mô típ chùa Việt ở Nam bộ.

Chùa theo phái Ðại thừa và trong chùa có tới 11.270 tượng lớn nhỏ: tượng Phật, Bồ tát, La hán, Bát bộ kim cang, Ngọc hoàng, Huỳnh đế, Thần nông... Đa số các tượng này đều được làm bằng danh mộc, chạm trổ công phu và mỹ thuật, tiêu biểu cho nghệ thuật điêu khắc Việt Nam vào thế kỷ XIX. Ngoài ra chùa còn có nhiều hoành phi và câu đối, màu sắc rực rỡ.

Không chỉ vậy, đến với Tây An cổ tự, ngoài được vãn cảnh ngắm chùa, du khách còn có hội tìm hiểu sâu hơn về gốc tích của ngôi chùa cổ này, phải nói rất hay và thú vị.





Lăng Thoại Ngọc Hầu – người có công khai mở đất An Giang

Trong số những công trình mang giá trị văn hóa, lịch sử của tỉnh An Giang, Lăng Thoại Ngọc Hầu chính là một trong những công trình kiến trúc nghệ thuật đặc sắc, cổ kính, trang nghiêm, đồng thời thể hiện phong cách xây dựng lăng tẩm giống với các lăng vua nhà Nguyễn tại Huế. Đồng thời là công trình đồ sộ nhất ở chân núi Sam, khu lăng gồm có đền thờ ông Thoại Ngọc Hầu, mộ ông cùng hai phu nhân và hai dãy mồ vô danh của những người đã tháp tùng ông trong công cuộc khẩn hoang, đào kinh –  được xây vào thập niên 30 của thế kỷ 20.

Ông là người có công đào kênh, đắp đường, góp phần xây dựng nên xứ sở An Giang tươi đẹp ngày nay, với các công trình như: lộ núi Sam – Châu Đốc dài 5 km được đắp từ năm 1826 – 1827, kênh Thoại Hà dài 30 km tại núi Sập được đào năm 1818. Người dân nơi đây gọi núi Sập là “Thoại Sơn” để ghi nhớ công lao Thoại Ngọc Hầu.

Cái đẹp của lăng Thoại Ngọc Hầu là sự kết hợp hài hòa, chặt chẽ giữa nghệ thuật với thiên nhiên và sức lao động sáng tạo của con người. Lăng được tọa lạc trên thềm đá xanh với 9 bậc thang xây bằng đá ong - một loại đá có đặc tính rắn chắc, phải vận chuyển bằng ghe từ Biên Hòa qua nhiều sông rạch rồi rẽ vào kênh Vĩnh Tế về núi Sam. Muốn lên lăng, bạn phải qua chín bậc đá ong dài trên trăm mét, xây hình thang rồi mới đến sân. Sân lăng bằng phẳng, rộng thênh thang, có hai tiểu đình do người đời sau xây dựng. Theo bậc thang lên cao, ra khỏi vuông lăng là đền thờ nằm bên những bóng cây cao râm mát. Đền thờ nằm ở phía sau khu mộ, tựa lưng vào núi Sam.

Hằng năm, đến ngày 06-06 âm lịch, nhân dân quanh vùng đến làm lễ tưởng niệm ông. Ngoài ra, trong chương trình lễ hội Vía Bà Chúa Xứ cũng có nghi thức thỉnh sắc Thoại Ngọc Hầu, các vị phu nhân và tướng lĩnh từ lăng về miếu.      

Trải bao năm tháng, lăng vẫn còn nguyên nét uy nghi, khu lăng mang nhiều ý nghĩa lịch sử và giá trị văn hóa nghệ thuật, một công trình kiến trúc đạt tới đỉnh cao của dân tộc. Những ấn tượng để lại từ lăng Thoại Ngọc Hầu sẽ vẫn mãi còn đọng lại mãi trong lòng chúng ta mỗi khi đến với nơi này.


Làng nổi Châu Đốc, An Giang

Từ trung tâm của thị xã Châu Đốc, đi ngược dòng sông Hậu, bạn sẽ đến với làng nổi Châu Đốc là một trong những điểm du lịch khá đặc biệt. Dọc theo dòng sông là những căn nhà nổi, những bè cá được xếp cạnh nhau tạo thành làng và kéo dài khoảng vài cây số. Làng nổi Châu Đốc là hình ảnh đặc trưng cho đời sống của bà con miền Tây sông nước chân chất, bình dị. Tại đây bạn sẽ được tự mình khám phá những trải nghiệm chân thực về cuộc sống đời thường của những ngư dân gắn bó lâu năm với nghề, thấy được sự nỗ lực và vươn lên không ngừng nghỉ của người dân.

Rừng tràm Trà Sư

Những khu rừng ngập mặn là đặc trưng của thiên nhiên miền Tây sông nước. Vốn đã là một trong những địa điểm du lịch hút khách, rừng tràm Trà Sư, Tịnh Biên, An Giang lại càng quyến rũ đến mê hoặc trong mùa nước nổi. Rừng tràm Trà Sư nằm trên địa bàn xã Văn Giáo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang. Cách huyện Châu Đốc khoảng 30 km, đây là khu rừng ngập nước tiêu biểu cho vùng Tây sông Hậu.

Nếu có cơ hội du lịch miền Tây vào khoảng thời gian này, bạn sẽ có cơ hội hòa mình cùng thiên nhiên hoang sơ và chiêm ngưỡng nhiều loài chim như: Cò, sếu, vạc, le le… đang trú ngụ nơi đây.  Phương tiện di chuyển chủ yếu là tắc ráng (tên gọi một phương tiện thủy có gắn động cơ của người miền Tây Nam Bộ) và xuồng để tham quan xuyên suốt rừng tràm. Tắc ráng sẽ đưa bạn len lỏi theo những lối đi nhỏ qua khu rừng với những cây tràm cổ thụ, xung quanh bốn bề được bao phủ bởi một màu xanh hòa cùng tiếng chim ca ríu rít tạo nên một vẻ đẹp hết sức hoang sơ và kỳ thú. Mặt nước phủ xanh kín bèo tạo thành hậu cảnh muôn phần ngất ngây, khi lên ảnh càng thêm lung linh rất thích hợp để các tín đồ “sống ảo” cho ra đời những bức ảnh “ngàn like”.




Dạo chơi trên những khu chợ nổi sầm uất

Du lịch miền Tây mùa nước nổi chắc hẳn bạn sẽ không thể bỏ qua những khu chợ nổi sầm uất nhất nơi đây. Vào mùa này, các chợ nổi lớn như: Cái Răng, Phụng Hiệp, Cái Bè, … sẽ đưa bạn đến với thế giới đa sắc màu dân dã của văn hóa miệt vườn. Thật thích thú khi được cùng ngắm nhìn những chiếc ghe no đầy hoa trái, những cây bẹo lủng lẳng lạ mắt và cuộc sống sinh hoạt của người dân ngay trên những khu chợ nổi độc đáo này. Vào mùa nước nổi, chợ nổi Cái Bè cũng sầm uất hẳn bởi những thuyền, bè trao đổi hẳn một khu chợ trên sông. Những sản vật như: cá linh, bông súng, bông điên điển....được bày bán trên những chiếc xuồng chèo len lỏi giữa chợ tạo thành bức tranh đa màu sắc. Bạn còn có dịp cảm nhận cuộc sống miền Tây dân dã khi thưởng thức đồ ăn, thức uống ở các ghe nhỏ xung quanh chợ. Từ ghe hủ tiếu, cà phê đến ghe đồ nhậu đều phục vụ nhu cầu cho các lái buôn và khách du lịch đến tham quan. Chỉ vài nghìn đồng cho một ly cà phê hoặc tô hủ tiếu, nhưng sẽ là hương vị khó quên mỗi khi nhớ đến Cái Bè. Đây chính là cơ hội hiếm có để bạn chiêm ngưỡng những khoảnh khắc chân thật và sinh động nhất mà nét đẹp mùa nước nổi ban tặng.

Ngoài ra miền Tây mùa nước nổi là cơ hội để bạn có thể thưởng thức nhiều loại trái cây đặc sản. Những vườn trái cây lớn ở miền Tây có thể kể đến như miệt vườn Cái Bè, Vĩnh Kim (Tiền Giang), Cái Mơn (Bến Tre), Mỹ Khánh (Cần Thơ)…

Làng Chăm Châu Giang

Châu Giang là làng có đông dân tộc người Chăm sinh sống, nằm bên kia bờ Châu Đốc. Những nét văn hóa đặc sắc của người Chăm ở Châu Giang đã góp phần thu hút du khách bốn phương đến khám phá.

Là một trong những điểm nổi bật trong nét đẹp văn hóa tỉnh An Giang, Châu Giang không chỉ lôi cuốn bởi nét dân tộc mà còn lôi cuốn bởi nét đẹp văn hóa của miền đất trời địa linh nhân kiệt này. Trong số các làng người Chăm ở An Giang thì làng Chăm Châu Giang là nơi còn bảo tồn và lưu giữ lại khá nhiều nét văn hóa độc đáo. Nổi bật trong số đó có thể kể đến nghề dệt thổ cẩm truyền thống, tập tục sinh sống nhà sàn và tín ngưỡng Hồi giáo dưới bóng thánh đường.  Làng người Chăm Châu Giang rất yên bình và thanh tĩnh, con người nơi đây hiền hòa và vẫn  lưu giữ những nét đẹp truyền thống của dân tộc mình.

Nổi bật nhất tại đây là thánh đường Mubarak với lịch sử hàng trăm năm tuổi soi bóng bên dòng sông huyền thoại. Vì phần lớn cư dân trong làng chăm Châu Giang đều theo đạo Hồi, nên thánh đường là nơi nổi bật cho nét văn hóa tín ngưỡng này. Thánh đường có kiến trúc độc đáo, tháp tròn, cổng chính hình vòng cung, rất đặc sắc. Nóc thánh đường có một tháp lớn hai tầng hình bầu dục, chân tháp có hình trăng lưỡi liềm và ngôi sao, tượng trưng cho đạo Hồi. Đây là một trong những công trình có giá trị cao, và là điểm tham quan hấp dẫn tại làng Chăm Châu Giang khi du lịch miền Tây.

Nói đến văn hóa Chăm thì không thể không nhắc đến nghề dệt thổ cẩm. Đó là một nét văn hóa, nghề thủ công không thể thiếu của người dân nơi đây. Đến làng dệt thổ cẩm Châu Phong bạn sẽ được chiêm ngưỡng tận mắt quá trình dệt và có thể mua những món quà xinh xắn, được đan khéo léo từ  bàn tay của đồng bào Chăm về làm quà.



Núi Cấm và núi Két

Là 2 ngọn núi thuộc 7 ngọn núi trong dãy Thất Sơn hùng vĩ ở An Giang, núi Cấm và núi Két với cảnh đẹp hoang sơ cùng những câu chuyện huyền thoại đã thu hút khách thập phương về đây cúng bái, chiêm ngưỡng những công trình tuyệt tác của tạo hóa.

Còn có tên dân gian là núi Ông Két, với độ cao 225m, để lên đỉnh núi, bạn sẽ phải leo qua hàng nghìn bậc thang được xây dựng rất kỳ công và quét dọn sạch sẽ mỗi ngày. Lên đến đỉnh Ông Két, chúng ta sẽ cảm nhận được sự hùng vĩ của núi rừng nơi đây vì núi Két được bao quanh bởi những ngọn núi khác như núi Dài, núi Đất, núi Trà Sư, núi Bà Đắc. Đứng cạnh mỏ Ông Két hướng mắt lên bầu trời xanh, chúng ta có thể mường tượng ra hình ảnh chim két (chim Anh Vũ) đang lướt giữa mây ngàn cùng với những cơn gió lồng lộng tạo nên cảm giác nhẹ nhàng, thanh thoát. Mỏ Ông Két quay về hướng Ngũ Hồ Sơn (núi Dài Năm Giếng) trông như một hòn non bộ khổng lồ với những khối đá chất chồng tạo nên nét đẹp riêng từ “bàn tay” của tạo hóa. Trên núi Ông Két có gần 20 điểm tham quan, điện thờ tự, được gắn với các truyền thuyết lịch sử, tôn giáo vùng Thất Sơn.

Từ một ngọn núi hoang vu “cấm kỵ”, giờ núi Cấm đã ra dáng là khu du lịch được đông đảo khách thập phương tìm đến. Núi Cấm hay còn được biết đến với tên gọi là “Núi Ông Cấm” hay “Thiên Cấm Sơn, Thiên Cẩm Sơn”. Thuộc địa phận xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, có độ cao 705m so với mặt nước biển, đỉnh Bồ Hong ở trên núi Cấm chính là đỉnh núi cao nhất trong Thất Sơn và cũng là ngọn núi cao nhất Đồng Bằng Sông Cửu Long. Núi Cấm có đến cả trăm ngôi chùa, tượng Phật và các kiểu di tích tôn giáo. Muốn lên núi, bạn có thể đi bộ theo các lối mòn trong rừng, đi xe khách lữ hành hoặc đi tuyến cáp treo hiện đại. Trên núi có một hồ chứa nước thiên nhiên rất rộng và đẹp, gọi là hồ Thủy Liêm. Ngoài ra còn có suối Thanh Long là con suối nước khoáng độc đáo ở trên núi Cấm được du khách ghé thăm để tận hưởng được bầu thiên nhiên trong xanh, hòa mình vào với làn nước suối mát rượi.




Chợ Châu Đốc

 

Tới thăm An Giang, bạn đừng quên dành thời gian dạo chơi khu chợ Châu Đốc tấp nập. Đây là địa điểm kinh doanh các mặt hàng mắm, thủy hải sản khô lớn nhất miền Tây Nam Bộ. Mỗi năm, chợ Châu Đốc cung cấp hàng nghìn tấn thủy, hải sản khô cho người tiêu dùng cả nước và các quốc gia lân cận như Lào, Camphuchia.

Nếu nhìn từ phía ngoài, bạn sẽ có cảm giác khu chợ này khá bé nhưng ngay khi bước chân vào không gian bên trong, ấn tượng đầu tiên chính là chợ khá sâu với nhiều gian hàng đặc sắc được bày biện ngay hàng thẳng lối rất hấp dẫn. Chợ thường họp từ sáng sớm tầm 5-6 giờ, kéo dài tới tận chiều.

Thăm chợ Châu Đốc, các bạn sẽ như lạc vào không gian của hàng trăm gian hàng các loại mắm và cá khô với vô vàn màu sắc đỏ, trắng, tím…, cùng với rất nhiều quầy hàng ăn bắt mắt. Chợ Châu Đốc nổi tiếng với cái tên "Vương quốc của các loại mắm" nên không khó hiểu khi khu chợ này dành hẳn một khoảng rộng cho những gian hàng mắm. Các xô mắm ở đây được bày biện sạch sẽ, gọn gàng và kê cao, có đề rõ giá.  Các loại mắm rất đa dạng: mắm cá lóc, cá linh, cá sọc, ba khía,... Mỗi loại mắm bày bán ở chợ Châu Đốc được đặt theo tên các nguyên liệu làm để cho dễ nhớ. Một trong những sản phẩm mà người dân ưa thích nhất là mắm Thái. Cá lóc được lọc bỏ xương, da sau đó xé nhỏ trộn với với đu đủ xắt sợi và thịt ba rọi ram, thêm thính gạo, đường, ớt. Đường dùng làm mắm là đường thốt nốt, một đặc sản xứ An Giang. Mắm thái ăn kèm với rau sống, chuối chát, thịt ba rọi luộc thì ngon khỏi chê.

Những loại đồ khô cũng cực kỳ phong phú: khô cá phồng, khô cá lóc, khô mực, tôm khô... Đây tất nhiên sẽ là những món mà bạn có thể mua về làm quà cho gia đình và người thân. Ngoài ra bạn còn có thể mua củ sen, củ kiệu muối giòn để về ăn cơm, họ muối rất khéo, độ chua vừa phải không bi gắt. Nếu muốn mua về làm quà, bạn nên nhờ họ bọc gói cẩn thận.

Những gian bán các loại bánh ngọt đủ kiểu từ bông lan thường tới bông lan trứng muối, bông lan lạp xường... với kích cỡ đa dạng để mua về làm quà cho gia đình. Quầy hàng rong với nhiều màu bắt mắt của bánh bò, bánh da lợn, bánh bò thốt nốt, bánh bò lá dứa nướng... cũng sẽ níu chân bạn nếm thử. Ngoài các loại mắm và bánh ngọt, chợ Châu Đốc cũng có rất nhiều quán ăn mặn ngon. Món ăn đặc sản ngon trứ danh của người Châu Đốc bạn nhất định phải thử chính là bún cá. Nước dùng ở đây được nấu với cá, thêm chút nghệ vàng để khử mùi tanh của cá. Khi ăn bạn nên thưởng thức cùng chút rau thơm để làm dậy mùi hơn, một tô có giá 15.000 – 30.000 đồng.



Ăn đã lửng bụng rồi, bạn đừng quên giải khát bằng nước và quả thốt nốt ngọt mát nhé! Chợ cũng có nhiều loại hoa quả để bạn thưởng thức như trái xay rừng, mây thái, me, xoài... Nếu không ăn hoa quả tươi, bạn có thể thử những loại hoa quả ngào đường, trộn muối ớt cũng hấp dẫn không kém.

(Tổng hợp)