TRANG CHỦ CAMNANG

Ăn gì ở Sapa nhỉ?

Nhắc đến Sapa là nhắc đến địa danh đã đi vào thơ ca nghệ thuật với biết bao áng văn hay dành cho thị trấn nhỏ ở vùng cao. Cảnh đẹp Sapa đi vào huyền thoại với bốn mùa tuyệt đỉnh của mây trắng bay về, của hoa đào hoa mận hoa mơ, của lúa chín vàng rực rỡ. Bên cạnh việc lãng đãng thả hồn trôi theo những giây phút bình yên “lặng lẽ Sapa”, bạn đừng quên thưởng thức ẩm thực đặc trưng vang danh lẫy lừng của nàng thơ Tây Bắc nhé! Mình sẽ ăn gì khi la cà Sapa nhỉ?

Thịt trâu gác bếp, xếp buồn vào kho

Thịt trâu gác bếp ban đầu là món ăn của người dân tộc Thái đen. Với tập tục phơi khô thịt động vật để bảo quản và dự trữ thức ăn trong mùa lạnh, món thịt được đem đi mỗi khi đi rừng hoặc ăn nhâm nhi trong những ngày mưa rét, dần dần món ăn này trở thành đặc sản. Thịt trâu gác bếp có cái tên dễ thương như vậy vì thịt được phơi ở gác bếp, bên ngoài thịt có màu nâu đậm do bồ hóng và khói hun từ dưới lên, còn bên trong vẫn giữ màu đỏ tươi. Để chế biến, người dân tộc dùng lá mắc khén (một loại hạt tiêu rừng), ớt, muối, gừng để tẩm ướp thớ thịt trong 2 tiếng.
Khi gia vị đã ngấm, họ đem treo thịt lên gác bếp. Thịt được hun khói cho đến khi quắt lại, và cứ để thịt treo như vậy khoảng 8 tháng đến 1 năm do đó thịt có vị ngọt bùi hòa cùng vị cay xen lẫn vị nồng khói bếp. Sau đó họ hạ thịt xuống để ăn dần. Món thịt này khá giống với thịt bò khô của người xuôi. Nếu ăn lần đầu tiên, bạn sẽ cảm thấy hơi khó ăn do vị đắng nồng của khói, vị mặn chát của muối. Hãy nhấp chút rượu táo mèo, từ tốn xé nhỏ từng miếng một để cảm nhận vị bùi thơm quyện hoàn hảo với vị cay của lá mắc khén, tạo thành món ăn đậm phong vị thời gian muốn quên hết đi những nỗi buồn đã cũ. Ngoài xé ăn trực tiếp, thịt trâu gác bếp còn được chế biến thành các món khác như nấu lẩu, hầm, xào…





Những món nướng vấn vương tơ lòng

Lên Sapa ăn gì? Bạn có thể ăn đồ nướng ở khắp mọi nơi, nhưng cảm giác ăn đồ nướng Sapa với cái rét đặc trưng miền Bắc sẽ rất khác mà bạn chẳng thể tìm nơi đâu. Những xiên que nướng được ướp gia vị núi rừng, của những loại thảo mộc không thể tìm ở nơi đâu. Các món nướng Sapa rất đa dạng, có tới gần trăm món nướng từ thịt lợn bản, cánh gà, bò cuốn cải mèo, chả cá hồi cho đến rau nấm củ quả và trứng nướng nguyên quả. Mỗi món ăn có công thức ướp gia vị riêng không hề trùng lặp, mà loại nào ướp cũng ngon. Từng xiên đồ ăn đa dạng sắc màu với miếng cuốn có kích thước lớn được xếp đẹp mắt trên mâm cho bạn tha hồ chọn để chủ quán nướng trên tha hoa. Đây là món ăn phổ biến bạn có thể tìm thấy ở bất cứ đâu tại Sapa, từ ven đường bờ hồ, chợ,… cho đến các nhà hàng đồ nướng. Vừa nhẩn nha nhấm nháp đồ nướng vừa quây quần bên bếp lửa vùng cao trong đêm se lạnh, tình yêu đôi khi được định nghĩa giản dị như vậy thôi.



Lợn cắp nách, ngon nhức nách

Ngay từ cái tên tạo sự ấn tượng đầy tò mò cho những ai đến đây. Gọi là “cắp nách” vì với trọng lượng nhỏ từ 5kg đến 8kg, những chú lợn này dễ dàng được người dân bản địa cắp nách xuống chợ bán mà không cần chuồng hay túi dây lằng nhằng. Nhờ được thả rông hoang dã và tự kiếm ăn, thịt lợn cắp nách có vị thơm ngon và săn chắc. Nhất là khi được tẩm ướp cả tiếng và nướng vàng trên bếp than, thành phẩm sau đó là miếng thịt có lớp vỏ giòn tan cùng phần thịt mềm ngọt. Ôi những ngày đông Sapa ngồi cùng tri kỷ bên bếp lửa hồng nhấm nháp món ăn trứ danh này, chắc hẳn “bình yên” được định nghĩa giản dị vậy thôi.

Cơm lam nếu thiếu chẳng còn đậm đà

Nếu thiếu đi món cơm lam thanh thuần thì bữa ăn giảm đi một nửa độ ngon. Nào có cầu kỳ gì đâu với gạo nếp nương ngâm rửa sạch, cho vào các ống tre nứa nhỏ và nướng trên bếp than hồng. Vị dịu nhẹ của gạp nếp và tre, hạt cơm dẻo bùi, dùng với muối vừng (muối mè) tạo thành vị đậm đà khó quên.

Ăn miếng thắng cố, không quên rượu ngô

Một đặc sản khác của Sapa mà không phải ai cũng dám thử, nhưng đã ăn một lần thì sẽ thành nghiện lúc nào không biết, đó chính là món thắng cố. Nguyên liệu rất lạ lùng cùng cách chế biến dị không kém: nội tạng và thịt ngựa cùng 12 loại thảo mộc gia vị, nấu trong nồi lớn, khi ăn được múc ra bát ăn kèm với thịt ngựa thái mỏng dùng với các loại rau ăn kèm. Và rượu ngô là loại đồ uống không thể thiếu của món ăn lạ lùng này. Ngoài kia gió rít tơi bời, một nồi thắng cố rượu ngô đi kèm, say lòng mê đắm người ơi!



 Cá hồi Sapa, sao lại bỏ qua?

Điều kiện thời tiết lý tưởng của Sapa tương đương với vùng ôn đới kết hợp cùng môi trường sạch tự nhiên là mái nhà của loại cá hồi xuất xứ từ châu Âu. Suốt nhiều năm, thớ cá hồng san hô săn chắc, vị ngon ngọt lại rất tươi của cá hồi Sapa đã thu hút và níu chân những người sành ăn. Dù là nấu lẩu, nướng hay ăn sống, vị mềm thanh đặc biệt ấy vẫn không hề phai dấu.

Rau củ tươi ngon, sạch thuần tinh khiết

Với môi trường tự nhiên, Sapa là xứ sở hoàn hảo của những loại rau xứ lạnh như susu, su hào, cải mèo,  cải ngồng, xà lách… Cải mèo càng ăn càng nghiện cái vị đắng nhằn nhặn mà sao lại ngọt mát đến như thế. Ngoài món luộc, cải mèo còn được chế biến thành những món ngon khác như nấu canh thịt bằm, cuốn thịt bò nướng, xào…  Nhắc đến cải mèo thì phải nhắc đến nấm hương Sapa. Đây là nguyên liệu không thể thiếu của món rau cải xào hoặc món canh, nấm có mùi thơm lừng cùng hương vị đặc trưng được xâu lạt đem về làm quà. Ngoài ra còn có măng Vầu được bóc bẹ, thát thành lát mỏng rồi đem ủ muối chua, thêm chút cay rồi chế biến thành món ăn có vị chua cay ngọt khó quên. Và không thể không nhắc đến ngọn susu xào tỏi hoặc quả susu luộc chấm muối vừng. Tất cả tạo thành bữa ăn giản dị làm nức lòng người xa xứ. 











La cà Sapa thật "đã" với cảnh thiên nhiên hoang sơ như tranh vẽ, và tất nhiên không thể thiếu những món ăn đặc trưng chỉ ngon khi ăn tại đây. TransViet tin rằng bạn sẽ không bao giờ quên được những đặc sản miền sơn cước khi một lần thưởng thức trong hành trình du lịch Sapa.