TRANG CHỦ CAMNANG

MỘT VÒNG CHÂU Á ĐÓN LỄ HỘI TRĂNG RẰM

Nền văn hóa Á Đông vốn rất coi trọng những phong tục truyền thống vì họ quan niệm rằng nét đẹp văn hóa gắn liền với vẻ đẹp tâm hồn và là món quà ý nghĩa đối đời sống tinh thần. Dù nền kinh tế phát triển đồng nghĩa với việc văn hóa phương Tây dù nhập mỗi ngày một nhiều hơn nhưng người Á Đông vẫn giữ lại cho mình những tinh hoa truyền thống, thể hiện qua các lễ hội quan trọng trong năm. Ngoài dịp Tết Âm Lịch thì Lễ Hội Trăng Rằm có lẽ là thời gian được nhiều người chờ đón nhất trong năm. Không chỉ riêng ở Việt Nam mà còn nhiều nước Á Đông cũng mong chờ lễ hội này, với nhiều hoạt động thú vị. Nào bạn ơi, cùng TransViet vi vu một vòng Châu Á tìm hiểu về Lễ Hội Trăng Rằm!

  1. Lễ hội Tsukimi – Nhật Bản

 

 

Lễ hội Tsukimi, hay còn được gọi là Otsukimi là một trong những lễ hội quan trọng của người Nhật – đất nước của những lễ hội văn hóa, cũng là thời gian đẹp trong năm để du lịch Nhật Bản. Trong tiếng Nhật, Tsukimi có nghĩa là “ngắm trăng”, chữ O được thêm vào trước để thể hiện sự trang trọng. Khá giống với lễ Trung Thu ở Việt Nam, lễ hội thường diễn ra vào ngày 15/08 Âm lịch – thời gian trăng tròn, sáng và đẹp nhất trong năm. Otsukimi đi sâu vào đời sống tinh thần của người Nhật Bản, đồng thời được coi như một cơ hội tuyệt vời để phong phú hóa tâm hồn trẻ thơ.




Vào lễ Otsukimi, người Nhật trang trí nhà bằng cỏ lau (susuki) – một trong 7 loại cỏ nổi tiếng mùa thu Nhật Bản, được tin rằng sẽ giúp mùa màng bội thu, đem đến sự sung túc. Món ăn truyền thống được yêu thích nhất lễ hội Otsukimi là bánh dango – những chiếc bánh tròn, mềm, có đường kính khoảng 4cm, có hình dáng tựa những ông trăng nhỏ. Ngoài ra, người Nhật đôi khi còn cho thêm khoai lang và khoai môn lên mâm cúng trong ngày lễ.

  1. Lễ hội Chuseok – Hàn Quốc

 

Hàn Quốc cũng có một ngày Tết Trung Thu, được gọi là Chuseok – đây là một trong những ngày lễ cổ truyền lớn nhất trong năm, cũng là thời gian tuyệt vời cho những du khách yêu văn hóa xứ kim chi đi du lịch Hàn Quốc.  Lễ hội Chuseok cũng được tổ chức vào ngày rằm tháng 8 – ngày có trăng tròn và đẹp nhất trong năm. Lễ hội mang ý nghĩa tạ ơn trời đất đã mang đến cuộc sống sung túc, mùa màng bội thu.





Vào lễ Chuseok, người Hàn Quốc sẽ sử dụng các thành phẩm của vụ mùa như rau quả, gạo, thịt. cá….để chế biến món ăn kính dâng tổ tiên. Món bánh không thể thiếu trong ngày lễ Chuseok là bánh songpyeon – được làm từ bột gạo, đỗ xanh,…. Bánh có hình dáng khá giống với há cảo của Trung Quốc nhưng có nhiều màu sắc bắt mắt như bánh dango Nhật Bản. Người Hàn Quốc sẽ quây quần bên nhau, ăn bánh songpyeon và trao cho nhau những lời chúc tốt đẹp, nói lời cảm ơn với tổ tiên, thiên nhiên vì một mùa bội thu. Trong lễ Chuseok, mọi người còn cùng nhau uống rượu truyền thống - baekju (rượu trắng) để thể hiện tình cảm chân thành của những người đồng hương.

  1. Tết đoàn viên – Đài Loan

 

 

Tết đoàn viên ở Đài Loan khá gần với Tết Trung thu ở Việt Nam nhưng ở Đài Loan, đây là một quốc lễ và mọi người được nghỉ trong ngày này. Có không ít du khách du lịch Đài Loan vào Tết đoàn viên, vừa để hòa mình vào không khí vui vẻ của ngày lễ, vừa để hiểu hơn về văn hóa Đài Loan.

Đúng với tên gọi, Tết đoàn viên là thời gian gia đình đoàn tụ, sum vầy bên nhau, thưởng trà, đón trăng. Tất nhiên, Tết đoàn viên không thể thiếu món ăn truyền thống là bánh trung thu (giống với bánh nướng bánh dẻo ở Việt Nam) – bánh có hình tròn, có đường kính khoảng 10cm, được trang trí đẹp mắt, có nhiều loại nhân như thịt xá xíu, trứng muối, đậu,…. Hình tròn của bánh tựa ông trăng tròn, sáng trong Tết đoàn viên, tượng trưng cho sự sum vầy ấm cúng, hạnh phúc viên mãn, sung túc. Vì những ý nghĩa tốt đẹp này mà người ta còn đem tặng nhau bánh trung thu, trao nhau những lời chúc, thể hiện sự yêu mến, thân thiện của mình với người khác.

Ngoài ra, bưởi và thịt nướng cũng là món ăn rất được yêu thích trong Tết đoàn viên – một nét truyền thống khá độc đáo của người Đài Loan. Một số công viên thậm chí còn cho phép mọi người tụ tập và nướng thịt, ngắm trăng trong dịp này. Người Đài Loan cho rằng, nướng thịt đem lại không khí ấm áp, đem mọi người đến gần nhau hơn. Vì vậy, khi được mời đến chung vui trong Tết đoàn viên, nhiều người còn tặng nhau thịt để cùng làm món thịt nướng để buổi đoàn tụ thêm vui vẻ.

Bạn vừa cùng TransViet dạo một vòng, tìm hiểu về văn hóa đón lễ hội trăng rằm ở nhiều nơi trên thế giới với thật nhiều điều thú vị. Bạn đã chọn cho mình một hành trình khó quên dịp Trung thu này chưa?


Đinh Thúy Ly