TRANG CHỦ CAMNANG

MỘT THOÁNG CUBA VÀ NHỮNG DƯ VỊ CÒN ĐỌNG LẠI

Kỳ 1: Hạ cánh xuống sân bay Havana

Máy bay hạ cánh tại Havana khoảng gần 3 giờ chiều. Những chiếc xe chở khách từ máy bay vào ra nhà ga, quầy công an cửa khẩu...: mọi thứ trong ngày đầu du lịch Cuba đều gợi cho tôi nhớ lại một sân bay Tân Sơn Nhất những năm đầu 80.

Tôi giơ điện thoại chụp vội khu vực nhập cảnh, bèn bị chàng nhắc: “Cẩn thận, chắc họ không cho chụp đâu”. Tôi hơi giật mình, chợt nhớ: ở bất cứ nước nào, đâu được chụp ảnh tại những nơi này. May mà không ai phát hiện. Chàng làm thủ tục nhập cảnh xong, hình như muốn thử xem có được chụp ảnh tại nơi nhạy cảm này không, tí toáy giơ điện thoại chụp cảnh tôi đang đứng trước cô công an cửa khẩu. Tôi vừa nhe răng cười, thì thấy hai anh an ninh to cao, lừng lững tiến lại đứng hai bên chàng, kiểm tra máy, yêu cầu chàng xóa ảnh. Hơi run, ai bảo, đã nhắc người khác, mà chính mình còn tinh tướng.

Ngay sau khi xong thủ tục nhập cảnh, là quầy kiểm tra an ninh. Lạ thật: sao lại phải kiểm tra an ninh khách đến? Toàn bộ hành lý xách tay được cho qua máy soi chiếu, ai cũng phải đi qua máy, lại còn bị khám tay luôn, ngặt nghèo còn hơn cả thủ tục an ninh trước khi lên máy bay. Qua khâu kiểm tra này xong, mới đi nhận hành lý. Hành lý ký gửi của bọn tôi lại không bị qua máy, cũng không bị kiểm tra tay? Vậy kiểm tra từng người và hành lý xách tay làm gì nhỉ? Nếu ai mang đồ bị cấm, cần giấu diếm, cho vào hành lý ký gửi chắc sẽ không bị phát hiện: trông tưởng chặt chẽ, mà hóa ra sơ hở hơn Việt Nam nhiều.

Trong khi chờ chàng làm thủ tục thuê xe, tôi lò mò tìm chỗ đổi tiền. Khách xếp hàng đông nghẹt tại hai quầy đổi tiền. Nếu đổi bằng USD, bị charge thêm 10% phí. Đến 5 giờ chiều, mọi thứ xong: hai đứa lên xe vi vu về nơi ở. Đường xá thoáng đãng, mọi người ai cũng vui vẻ, chứ không khó chịu như nhân viên sân bay. Xe lướt nhanh, hai bên đường, rất nhiều người đứng vẫy xe xin đi nhờ.

Từ sân bay đến nơi ở mất độ 20 phút. Đến nhà rồi – một phố nhỏ yên tĩnh, đẹp, với cây xanh, trẻ con chơi đùa trên vỉa hè - giống hệt những phố nhỏ của Hà nội (Nguyễn Gia Thiều, Trần Quốc Toản...) thời chiến tranh. Gia đình chủ nhà niềm nở đón chào, cho hai đứa ở phòng trên tầng cao nhất và có cửa mở ra sân thượng rộng. Tối nay sẽ ăn cơm cùng với nhà chủ luôn. Đói quá rồi: đang chờ xem được ăn món gì: hồi hộp quá.

Kỳ 2: Xót xa ngày đầu tiên Havana

Cảm giác đầu tiên - tôi yêu Havana: nơi gợi cho tôi nhớ về một Hà Nội với “năm cửa ô đón chào”, với tuổi thơ đẹp đẽ, bình yên của tôi và bạn bè 50 năm trước.

Tối đầu tiên không có internet. Người dân Cuba không được phép dùng. Chồng em chủ nhà là người Tây Ban Nha nên được giấy phép sử dụng một cách hạn chế. Vậy là toi rồi, hơn một tuần bị nhốt kín trong lồng, không báo chí (làm gì có báo tiếng Anh), không internet. Vậy biết lấy thông tin từ đâu để biết đi tham quan ở đâu bây giờ??? Bắt đầu có cảm giác hơi bức bối, bực bội. Thế kỷ 21 rồi, mà sao còn có nơi người dân bị cấm sử dụng Internet hả trời?

19.30: ngồi chờ ăn cơm. Nhìn cô chủ nhà dọn các món ăn, mình sững sờ: bữa ăn cho 10 người (trong đó có cô bé con một tuổi) bao gồm: nửa tô cơm, nửa tô đậu đen nấu sền sệt, nửa bát nhỏ chuối ương băm nát, rồi đảo trên bếp cho quánh lại. Sát lúc ăn, chồng cô chủ ngượng ngùng mở tủ lạnh lấy ra 2 khúc xúc xích, cắt thành miếng nhỏ, cho vào chảo xào mặn lên (chắc vì có khách ăn nên mới có món này?). Chẳng trách, khi hỏi về các món ăn đặc sản của Cuba, anh ta cười và ngại ngần nói: “rice and black beans – black beans and rice”: cơm và đậu đen, rồi đậu đen và cơm. Nhìn em bé một tuổi ăn ngon lành món đậu đen, sau đó gặm cái bánh mì nhỏ cứng ngắc. Trò chuyện với cô chủ nhà, mình thấy nghẹn đắng trong cổ họng, cố nuốt ngược những giọt nước mắt cứ chực trào ra. Trời ơi, đất nước Cuba bây giờ đến nông nỗi này ư?

Tem phiếu tiêu chuẩn của mỗi người/tháng: 2 kg gạo, nửa kg đậu đen, 100 gr thịt gà, hơn 2 kg đường. Trẻ em một tuổi trở xuống mỗi tháng được 1 lít sữa. Ai làm thịt bò không có giấy phép: 15-20 năm tù. Bữa ăn mỗi ngày chỉ gồm cơm, đậu đen, may lắm thì có thêm ít bánh mì. Hầu như mọi thứ kinh doanh tư nhân đều bị cấm. Mức lương tháng của mỗi người khoảng từ 10 -20 USD, nơi nào cao nhất cũng chỉ 35 – 40 USD/tháng, chật vật để đủ cho bữa ăn đạm bạc với cơm trộn đậu đen. Thời kỳ khó khăn nhất của Việt Nam: từ những năm 1970 đến 1980, cũng chưa bao giờ đến mức độ này. Xót xa khi nhìn những em bé gầy khẳng kheo, đôi mắt trố ra trên gương mặt sớm nhăn nheo, như một lời khẳng định của mức độ suy dinh dưỡng.

 

Kỳ 3: Ngày đầu tiên khám phá Havana và xúc cảm đọng lại

Ấn tượng trong chuyến du lịch Cuba này là TIP, TIP, TIP. Dường như ai cũng coi khách du lịch là “con bò sữa". Hai ông bà khách đến từ Canada than phiền với chúng tôi, khi cùng ngồi xe đi tham quan.

Nhìn bề ngoài, mọi sự có vẻ rất bình thường. Đường xá rộng, chất lượng đường không đến nỗi tệ, không có ai lê la ăn xin ngoài phố. Đi bộ vào khu phố cổ, nhan nhản người, chủ yếu là thanh niên, nhào ra chào mời, lôi kéo, dụ dỗ mua thứ này thứ khác. Có người còn lật bụng vỗ vỗ, ý nói là đói, để gợi lòng thương nhằm bán đồ. Tôi nghĩ là họ đói thật – thanh niên tuổi 20, mà đồ ăn chỉ có cơm và đậu đen, thì làm sao đủ no? Cũng thấy lạ là họ không ăn rau. Không biết tại sao?

Trời ơi, đất nước không có kinh tế tư nhân! Tìm nguyên cả ngày, biết làm sao mua được chai nước uống? Hỏi ra mới té ngửa, xứ này làm gì cho phép người mở shop bán bất cứ thứ gì, nhà nước không mở thì thôi, tư nhân đâu có được làm? Trong tôi xen lẫn cảm giác thương xót, thông cảm, uất giận... Điều gì làm cho một đất nước có thiên nhiên tươi đẹp, có tiềm năng kinh tế giàu có với công nghiệp sản xuất xì gà vào bậc nhất thế giới, từng có cafe, đường xuất khẩu, với bờ biển bao bọc quanh đất nước – đến nỗi đói nghèo thế này? Đồng thời, sao thấy mình quá may mắn, nếu vẫn đi theo đường lối chủ nghĩa xã hội bao cấp với nền kinh tế kế hoạch tập trung, chắc tình hình Việt Nam bây giờ còn tệ hơn Cuba nhiều (họ chỉ có 11 triệu dân thôi mà). Hoan hô kinh tế thị trường! Chưa bao giờ, tôi và chàng thấy tự hào và hãnh diện ở mức cao, vì mình được là người Việt Nam như những ngày này. Cứ nghe đến Việt Nam, ai cũng xúm lại khen ngợi: Việt Nam giỏi quá, từng nghèo hơn Cuba nhiều, từng nhận biết bao viện trợ của Cuba, vậy mà bây giờ lại viện trợ ngược gạo, cafe cho Cuba.

Nỗi khổ của riêng tôi: thiếu thịt cá, tôi chẳng sợ. Vốn tồn tại chủ yếu với rau, trái cây, gạo lức và nước uống - ở đây những thứ đó đều hiếm, may lắm mới có thể tìm được nơi bán. Sau 2 ngày tiềm kiếm, hóa ra ở Havana cũng có 1 siêu thị bán nước suối đóng chai, vội bê về một đống dành dự trữ uống dần. Trái cây thì chỉ có: ổi, chuối, đu đủ, dứa, một hai nơi có bán xoài. Vì không được bảo quản tốt, tất cả các loại trái cây và rau đều héo hắt, quắt queo. Tôi khốn khổ vì không đủ nước uống, không được ăn đủ rau: chỉ có mấy loại: bắp cải, cà rốt, hành tây, và loại lá gì xanh, lại già được thái nhỏ ăn sống – có vẻ giống lá xu hào, chấm hết. Sục sạo mãi, mua được 1 nải chuối, 1 quả đu đủ to tướng, chục xoài và ổi: tôi chén nghiến ngấu 2 ngày hết sạch, làm chàng sợ chết khiếp. Mấy ngày ở Havana làm tôi phát sinh tâm lý dự trữ: nước bao giờ cũng phải có mấy chai, trái cây dù héo quắt, cũng phải có vài kg mới thấy yên tâm là không bị đói lúc đi đâu ra khỏi thành phố. Chỉ tìm được nhà hàng ở các khu du lịch, người Cuba không bao giờ ăn ngoài, đơn giản vì không có tiền. Tôi chưa gặp bất cứ người Cuba nào ăn tại các quán ăn, dù là nhỏ hay lớn (cũng đều của nhà nước).

 

Kỳ 4: Điều tôi yêu và ghét ở đất nước Cuba

Qua vài ngày vi vu ở quốc đảo xì gà này, có quá nhiều điều đọng lại trong tôi – cả yêu lẫn ghét!

Có một điều làm tôi khâm phục ở đất nước này đó là: Tuy rất nghèo, nhưng nhìn chung, trông bề ngoài, người dân Cuba vẫn vui vẻ. Thêm nữa, họ rất sạch sẽ - đường phố sạch, nhà cửa, đồ đạc, toilet...hầu hết cũ, hỏng, chắp vá, nhưng ít nhất là không bốc mùi nặng. Người dân cũng vậy: ăn mặc gọn gàng, không rách rưới, không bẩn thỉu. Điều nữa làm tôi yêu mến trong chuyến du lịch Cuba là sự chân thành, nhiệt tình. Đối với họ, 1 USD có giá trị rất lớn, nên hay diễn ra cảnh: nhân viên nhà hàng tìm cách tiết kiệm hộ chúng tôi. Khi thấy tôi gọi thêm món rau, họ khuyên rất chân tình: món chính có rau rồi, không cần gọi thêm nữa. Chàng lạc đường, họ xúm lại bàn tán, hướng dẫn rất nhiệt tình và vui vẻ.

Nhưng vẫn có điều khiến tôi ghét: họ sử dụng chủ yếu là các xe ô tô cũ kỹ (Lada, các xe cũ thuộc dạng đồ cổ của Mỹ từ những năm 50 tân trang lại), nên khói mù mịt trên đường. Hệ thống hô hấp của tôi vốn nhạy cảm, nên lúc nào cũng thấy váng vất vì mùi xăng dầu vì khói từ các xe xả ra đen sì. Ở một vài thành phố tôi đi qua, xe ngựa cũ kỹ là phương tiện vận chuyển chính. Vẫy xe đi nhờ cũng được coi là cách di chuyển thông dụng. Chúng tôi cứ thắc mắc hoài: sao người dân không chịu đi xe đạp như khi Việt Nam còn nghèo khổ. Bên cạnh đó, tuy rất khổ nhưng hình như người dân ở đây không được chăm chỉ cho lắm. Họ yên phận với cuộc sống mà theo chính một vài người dân nói: “Chỉ có quá khứ, không hiện tại, không tương lai. Mỗi ngày là sự tồn tại một cách dặt dẹo”. Nghề được chuộng nhất ở đây là  phục vụ nhà hàng, hướng dẫn du lịch: tiền tip mỗi ngày có thể bằng một vài tháng lương.

Điều làm tất cả khách du lịch đầu tiên là ngạc nhiên, sau đó khó chịu, rồi phẫn nộ: Tất cả các nhà vệ sinh (thậm chí trong nhà hàng bé tí) cũng có 1 nhân viên ngồi, với cái đĩa để tiền tip, phân phối cho khách một xấp giấy vệ sinh mỏng, rồi chìa tay chỉ vào đĩa xin tiền tip. Lạ nhất là ở nhà ga đi vào trong khu cách ly của sân bay quốc tế, các cô gái mặc đồng phục với váy và áo xanh rất nghiêm chỉnh, cũng đứng canh đĩa đựng tiền tip ngay trước cửa hoặc trong toilets. Lâu dần, tôi sợ đi toilet, không chỉ vì sợ tốn tiền tip (mỗi lần ít nhất là khoảng 1 CUC, tương đương 1,2 USD). Có ngày tôi và chàng tiêu tốn đến quãng hơn 20 USD cho riêng việc tip để giải tỏa bí bách. Nói chuyện với bất cứ khách du lịch nào, họ cũng than phiền về điều này. Vì để bảo vệ sức khỏe, tôi uống rất nhiều nước nên đầu ra khoản này cũng lắm. Thế là cứ thấp thỏm hai điều: 1. Liệu ở đâu có thể tìm ra toilet? 2. Chuẩn bị đủ tiền để còn tip. Điều khó chịu nữa: hầu hết các toilet trên đường, tuy thu tip, nhưng không có giấy vệ sinh vậy là trước khi rời khỏi nơi ở, luôn phải nhớ thủ theo giấy vệ sinh đủ dùng cho cả ngày. Tôi cứ nghĩ: tất cả các nhà hàng, quán nước đều là của nhà nước, vậy tiền tip toilet sẽ là của ai, nhà nước làm sao quản lý? Đến hôm qua, khi vào toilet tại nhà ga thì tôi sực nghĩ ra: chắc đó là cách các bộ phận của họ làm kế hoạch 3 (giống kiểu kế hoạch 3 tại Việt Nam những năm 80), phân nhân viên đứng thu tip, rồi chia nhau. Không biết tôi đoán thế có đúng không?

 

Kỳ 5: Cuba – Đồng tiền, giá cả và cuộc sống

Cách đây độ chục năm, đồng tiền nội địa chỉ có 1 loại là pesos, 1USD tương đương 23-30 pesos. Lúc đó, đồng USD được sử dụng thoải mái ở Cuba. Với mục đích ngăn chặn sử dụng USD, chính phủ cho ra một đồng tiền gọi là pesos convertible (viết tắt là CUC hay CUB gì đó). Khách du lịch phải sử dụng đồng CUC này – giá trị được coi là tương đương USD, nhưng khi đổi bị phí 13-15% (1 USD đổi được 0,85 CUC ở sân bay và 0,87 nếu ở các khách sạn). Việc có 2 đồng pesos gây phiền phức và nhầm lẫn cho người nước ngoài ở Cuba, và cũng tạo cơ hội cho việc lừa đảo về giá cả với khách du lịch. Tuy 1 CUC tương đượng 25 pesos nội địa, nhưng với khách du lịch, 1 CUC (tức độ 1,15USD) là đơn vị tiền nhỏ nhất bạn có thể tiêu. Vậy là: mua cái gì đáng giá 1 pesos nội địa, nếu bạn chỉ có CUC, sẽ phải trả 1 CUC, tức gấp 25 lần giá trị thực của nó. Ăn quán hoặc nhà hàng, tùy món (cũng không nhiều lựa chọn) mỗi người phải trả độ hơn 10USD/bữa, chưa kể tip.

Tiêu chuẩn mỗi người dân Cuba được mua phân phối (gần như cho không), bao gồm: mỗi tháng 2 kg gạo, nửa kg đậu đen, 100gr thịt gà và hơn 2 kg đường; còn lại, phải mua ngoài. Giá cả mọi thứ đều đắt hơn của Việt nam. Ví dụ: 1 kg gạo giá 0,67 CUC – tương đương 0,77 USD – khoảng 16,000 – 17,000 VND. Một kg xoài (chỉ thấy loại như xoài Nha trang), giá cũng gần 20,000 VND, một quả chuối giá hơn 1,000 VND... Tóm lại là cái gì cũng đắt hơn ở Việt Nam nhưng mà thu nhập bình quân thấp hơn Việt Nam 20 lần (từ 10-40USD tức 220,000 – 850,000 VND/tháng).

Về học hành: ai muốn học lâu bao nhiêu cũng được, không phải trả tiền học. Nhưng học để làm gì là câu hỏi thường kỳ đối với dân Cuba. Vì lương kỹ sư, bác sĩ... cũng chỉ từ 30-40USD/tháng. Khám chữa bệnh trên danh nghĩa là không mất tiền và bác sĩ không được khám hoặc mở phòng mạch tư. Nhưng chính vì vậy, ai không cho tiền bác sĩ sẽ khó lòng được khám tử tế. Số tiền cho cũng chỉ tối đa vài pesos nội địa (tức vài ngàn VND/lần). Chẳng ai có thể làm giàu với những đồng tiền kiếm được kiểu đó. Đúng là Cuba không có các tệ nạn theo kiểu đánh nhau, trộm cắp công khai và cướp giật nhưng lừa đảo, xin đểu khách du lịch là việc bình thường, nếu không được coi là việc “phải làm”. Trong mắt những người Cuba này, có vẻ là giàu, có tiền đi du lịch – nghĩa là có trách nhiệm với cái nghèo đói của họ. Họ cố chèo kéo để ép bạn mua bằng được, với cái gía gấp vài chục lần giá thực. Những người Cuba chân chính rất phản ứng và phẫn nộ vì tệ nạn này.

Ở Cuba có nghề điếm không? Chính phủ cố gắng nói KHÔNG. Nhưng chính mắt tôi, trong những tối ngồi quán bar đối diện bờ biển ở Havana (quán bar cũng của nhà nước luôn) thì thấy anh tây nào cũng cặp kè 1 hoặc có khi là vài cô gái Cuba trẻ măng, mặc váy không thể ngắn hơn, ôm hôn nhau chùn chụt. Qua đó, tôi đoán được các cô làm nghề gì.

Kỳ 6: Những nốt trầm trong chuyến du lịch Cuba

Tại Varadero, chúng tôi mua tour tự lái xe jeep đi chơi. Trên xe có hai cặp: chúng tôi và cặp vợ chồng người Canada. Họ bó tay đầu hàng, nên chàng nhà tôi phải lái. Đúng là đã lái xe ở Việt Nam thì chẳng sợ ở đâu, vậy mà chàng sợ đấy: xe quá cũ, tất các thứ không cần thiết đều hỏng, số bị kẹt, thấy chàng điều khiển khó khăn lắm. Buồn cười nhất là nóng ơi là nóng, vậy mà máy lạnh hỏng, nhưng không hiểu sao, cái họng ở đúng chỗ chàng để chân lại phun ra hơi nóng để sưởi chân cho riêng chàng. Vừa lái, chàng vừa cáu kỉnh chân nóng quá – nhưng biết kêu ai bây giờ? Kêu tour guide , thấy cậu ta giơ hai tay lên trời. Đến một chỗ nào đó dọc đường, có mấy vũng lầy, tự nhiên thấy xe dẫn đường dừng lại: hóa ra hàng đám trẻ con xô ra chặn xe xin tiền. Hai ông bà ngồi cùng xe tôi cáu kỉnh, sao bọn trẻ này không được dạy phải lao dộng mới có cái ăn. Chúng có thể trồng rau, chăm sóc cây ăn trái, nuôi gà, đi bắt cá ở bờ biển..., tại sao cứ phải đi xin tiền? Tôi và chàng nói với nhau: ừ nhỉ, đất đai màu mỡ, bóng lên màu nâu hứa hẹn cây gì cũng tươi tốt, mưa gió thuận hòa, không làm giàu được nhưng không thể đói là cái chắc chắn. Cô chủ nhà chúng tôi ở cũng khẳng định: những kẻ đi ăn xin, những kẻ kêu ca là bị đói – thì đấy là những người lười biếng. Người Cuba không thể đủ tiền “ăn ngon mặc đẹp”, nhưng “ăn no mặc ấm” theo kiểu xã hội chủ nghĩa kế hoạch tập trung thì vẫn không đói. Thế mới biết: nền kinh tế tập trung và “ăn đều chia đủ” là cái nôi tuyệt vời nuôi dưỡng sự lười biếng. Như các cụ đã nói: "Có làm thì mới có ăn. Không dưng ai dễ đem phần cho ta". Làm sao tôi có thể giải thích được cho các em: "Hãy về nhà đi, hãy học làm người, trước khi có thể làm giàu. Hãy gieo hạt để có những bát canh ngon lành cho bữa ăn, hoặc chăm sóc đàn gà lấy thịt ăn mỗi tuần. Hoặc em có thể cầm cần câu ra biển hoặc sông câu cá, sao phải chạy theo xin tiền khách du lịch. Em có biết họ nghĩ gì về Cuba qua hành động của em không?”

Đến thăm nhà máy sản xuất xì gà, mọi thứ đều làm bằng tay, lương công nhân mỗi tháng chỉ khoảng 17USD. Trời ơi, cái mùi kinh khủng!!! Vào đến nơi độ 10 phút – mọi người bắt đầu hắt hơi ầm ĩ. Tối về đến nhà tôi vẫn bị ám ảnh, vẫn tiếp tục hắt hơi – vì cái mùi ngai ngai của lá cây để ẩm, chẳng biết có mốc không.

Kỳ 7: Nghỉ dưỡng tại biển Varadero – Cuba

Là những người chuyên đi du lịch “bụi”, chuyên thuê xe rong rủi đến những nơi vắng vẻ, heo hút, ít ai đến nhất. Những cái gì được dọn sẵn ngay ngắn, tiện nghi quá đáng và dễ dàng đều làm tôi khó chịu, chán nản. Tôi luôn muốn hòa vào những nơi thiên nhiên còn hoang vắng, hoặc gần gũi những người dân bình thường trên đất nước tôi có dịp đến hoặc đi qua. Để tìm hiểu, suy ngẫm, học hỏi và rút ra kết luận cho riêng mình.

Một Cuba với những người dân nghèo đói làm tôi thương xót kèm theo chán nản. Một Cuba – nơi điều kiện chưa cho phép du lịch bụi – làm chúng tôi phải thay đổi kế hoạch giữa chừng. Đáng ra, rời Havana sẽ đi tiếp đến hai nơi heo hút để sống cùng người dân, để thưởng thức vẻ đẹp “không có tiêu chuẩu”, nếm trải mùi vị đặc biệt của một đất nước nhưng chúng tôi đành dừng lại tại Varadero. Vừa rời Cancun vài ngày trước, dĩ nhiên là Varadero với biển xanh ngắt không thu hút nổi tâm hồn tôi. Nói cho công bằng, biển Cancun Mexico đẹp hơn gấp bội. Không chỉ xanh ngắt trên bề mặt, nước biển trong vắt giúp ta nhìn được từng con cá đang bơi. Biển ở Varadero xanh ngắt, nhưng nước không trong vắt, không nhìn thấy đáy cũng không thấy rõ cá bơi.

Tôi và chàng tìm vào khu dành riêng cho khách du lịch cách trung tâm thành phố Varadero hơn 10km. Nơi này chỉ có resort, xung quanh không còn gì hơn: không dân cư, không nhà hàng, chỉ resorts nối tiếp nhau. Tất cả đều bao gồm cả 3 bữa ăn trong giá, với từ quen thuộc (all inclusive – bao gồm tất cả). Các resort loại này từng rất phát triển ở các nước nghèo vào những năm 80-90 (Mexico, Brazil, Indonesia...). Tại sao thế? Đơn giản là khi ngành du lịch chưa phát triển một cách đồng bộ với các dịch vụ kèm theo như: nhà hàng với giá phải chăng, cafe, bars, nhiều điểm đi chơi hấp dẫn..., thì các khách sạn phải bao gồm tất cả dịch vụ đó (với giá cả rất hấp dẫn) nhắm vào lượng khách đi nghỉ dài ngày, hầu như chỉ ăn uống và nằm ườn xả stress. Ví dụ: vào tháng 3, tôi đến tham quan một resort all inclusive ở Brazil, giá họ bán là hơn 2,000USD/tuần. Trong khi đó, cái tương tự ở Varadero bán khoảng USD800/tuần (bao gồm cả vé máy bay từ Vancover hay Toronto gì đó). Vì vậy, khách Canada sang đây tránh rét đông nghẹt (gặp ai nói tiếng Anh hoặc Pháp, biết ngay là từ Canada). Tôi và chàng lang thang qua hết các resorts của khu đó, chỉ tìm được một cái còn phòng. Giờ chót, trời đã tối mò, đành phải nghiến răng chịu chém. Hai đứa hơi bực mình, biết mình phải trả cái giá gần gấp đôi các khách khác, chỉ vì không có internet để book ngay trên mạng. Loại hình all inclusive lụi dần, khi các nước nghèo phát triển du lịch toàn diện hơn, tạo cho du khách nhiều lựa chọn. Ở Việt Nam, loại hình này không thể tồn tại, vì ở đâu dịch vụ ăn uống cũng ngon, rẻ và dễ dàng. Ai dại gì ăn ngày 3 bữa trong khách sạn - vừa đắt, vừa chán.

Chẳng có gì để làm, bèn làm đủ các thứ như những khách du lịch biển “nằm ườn”. Ăn, tắm biển, mua tour tự lái xe jeep, rồi tour đi tàu ra đảo. Giá tour đắt hơn ở Cancun nhiều, mà dịch vụ thì kém xa. Cũng chụp được khối ảnh đẹp tuy không thể hấp dẫn như ở Cancun. 

Tóm lại, nếu bà con ta đi du lịch Cuba, book các khách sạn 4 sao trở lên, hàng ngày ăn uống, tắm biển hoặc đi tour – sẽ chẳng có gì phải phàn nàn. Chẳng có dịp gặp người địa phương để biết về đất nước và con người của họ, để hiểu là nước Cuba, từng là ngôi sao sáng những năm 50-60 của châu Mỹ La tinh – lại nghèo và suy kiệt đến thế. Tôi đã thử moi móc hỏi rất nhiều nhân viên làm trong khách sạn về cuộc sống của họ, ai cũng nhìn quanh rồi lảng đi, không dám trả lời.

Kỳ 8: Cảm xúc sau chuyến du lịch Cuba

Ngồi tại sân bay Paris chờ chuyến bay chuyển tiếp về Việt Nam. Bước lên chiếc máy bay Air France tại sân bay Havana, hai đứa hớn hở nói với nhau: "Ơn trời, lại được trở về với thế giới bình thường, trong đó có thông tin, có Internet, được kết nối với bạn bè, người thân, được thoát khỏi món cơm và đậu đen trường kỳ".

Sau chuyến du lịch Cuba, cảm xúc của tôi rất lẫn lộn. Cuba làm tôi nhớ về một thời khó khăn của đất nước, cũng chỉ vì nền kinh tế kế hoạch tập trung, phụ thuộc nặng nề vào các nước XHCN, đặc biệt là Liên xô. Khi phe XHCN tại châu Âu sụp đổ, đất nước ta gần như bị dồn vào ngõ cụt, người dân nghèo khổ, bần cùng. May mắn thay, Việt Nam chuyển sang kinh tế thị trường đúng lúc.

Cuối cùng thì mỗi đất nước phải chọn cho mình một con đường để đi, một cái đích để đến. Cả một dân tộc với 11 triệu dân, như Cuba, sao nỡ để cho biết bao trẻ em coi cuộc sống hàng ngày là việc chạy theo ngửa tay xin tiền bố thí của khách du lịch? Một dân tộc không thể tồn tại mãi mãi dựa trên lòng thương hại và sự bố thí của bất cứ ai.

Với riêng tôi, được hít thở không khí không có cái mùi xăng hay dầu quỷ quái gì đó cứ vảng vất, làm đầu óc quay quay suốt ngày, thậm chí ngáp liên hồi kỳ trận (chắc vì dị ứng hệ thống hô hấp). Chuyến đi lịch sử, đủ để cho tôi cảm thấy thật tự hào và vui sướng vì mình là người Việt Nam, vì mình được sống trong một xã hội, tuy chưa giàu có, nhưng ít nhất là bình thường. Sau chuyến du lịch Cuba này, tôi học được sự kiên trì, sự chấp nhận hoàn cảnh, không kêu ca, không ước vọng và chờ đợi vào bất cứ ai và cái gì, một khi nó đã hoàn toàn lọt ra khỏi vòng kiểm soát của mình hoặc bất cứ ai.

Thấy mình thật may mắn: với tất cả những gì nhìn và nghe thấy, vẫn không thể ngờ là đến giờ chót, chuẩn bị check out để lên sân bay, thì không thể mở được két sắt trong phòng. Hộ chiếu của cả hai đều ở trong đó. Chờ đúng 1 tiếng 15 phút, mới có một bác kỹ thuật béo phì, cùng 1 cái thùng lủng củng toàn kìm, búa, tuốc vít... lên phòng giúp mở két. Mình đã chợt nghĩ đến hoàn cảnh xấu nhất: nếu toàn bộ hộ chiếu bay hơi mất, thì phải ở lại trong bao lâu để làm hộ chiếu mới, và cái giá để chờ đợi là bao nhiêu? Dù sao, hình như trong bất cứ hoàn cảnh nào, tôi vẫn được quý nhân phù trợ.

Tạm biệt Cuba, đất nước với thiên nhiên đẹp tuyệt vời, với biển xanh và cát trắng. Tạm biệt đất nước tôi đã từng yêu mến suốt tuổi ấu thơ cho đến tận bây giờ, nhưng tình yêu đó bị bào mòn dần từng ngày, trong suốt hành trình một tuần rong ruổi. Xa Cuba chưa biết ngày trở lại. Hai đứa hẹn với nhau rằng: sẽ trở lại vào một ngày nào đó, khi Cuba mở cửa cho kinh tế thị trường như Việt Nam, khi bất cứ ai cũng được quyền biết và đọc thông tin, được quyền truy cập vào internet với cái giá phải chăng. Hình như không khách du lịch nào sẵn sàng trả 300 USD cho một ngày truy cập internet?

 Bich Ha